Marlboro Hay Chesterfield?


Plus ca change, plus ca reste la même chose
–          Nicolo  Machiavelli


Đào Viên

Ông Phó Tổng Thống Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Cuộc bầu cử năm nay (2004) là cuộc bầu cừ quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ” Ông John Kerry, vị Thượng Nghị Sĩ (TNS) ra tranh cử Tổng Thống thì cho rằng: : “Đây là cuộc bầu cử sóng gió nhất trong suốt cả

cuộc đời của chúng ta”. Cả hai phe, Cộng Hòa cũng như Dân Chủ, đều công nhận cuộc bầu cử 2004 có một tầm mức quan trọng đặc biệt khác hẳn các mùa bầu cử trước đây, vì nó sẽ có một tác dụng sâu xa vào xã hội Hoa Kỳ.

Bốn năm trị vì của Tổng Thống (T.T.) đương nhiệm Georges W. Bush đã để lại một gia tài chính trị gì mà làm cho cuộc bầu cử thành quan trọng? Quan trọng nhất là cuộc chiến chống Khủng Bố, sau cuộc phá hoại vô tiền khoáng hậu hai tòa nhà chọc trời World Trade Center tại Nữu Ước ngày 11 tháng 9, 2001. Do đó bầu lại hay không bầu lại G. Bush có nghĩa là có tin là chính phủ đương thời có thể đương đầu với tổ chức Al-Queda được không?  Bush có dẹp nổi Bin Laden không?

Chính phủ đương nhiệm đã lấy quyết định tấn công Irắk, với những lý do không xác đáng lắm – nhiều người còn cho là không chính đáng nữa – với những thành quả không có gì là khả quan, trong khi đã và đang phải trả bằng một giá rất đắt – theo lời nhận định mới đây của ông cựu Toàn Quyền Paul

Toàn Quyền Paul Bremer được TT Bush cho huy chương

Bremer -:  trên một ngàn quân nhân thiệt mạng và vẫn còn tiếp tục thiệt mạng mỗi ngày, 200 tỷ Mỹ Kim phải dành cho Irắk không được tiêu cho những chương trình quốc nội, những đại cường quốc có khả năng  kinh tế và quân sự, như Pháp, Đức, Nga, Trung Hoa, không chịu tiếp tay giúp đỡ, để mặc cho Hoa Kỳ – tức là người dân đóng thuế Hoa Kỳ – gánh vác. Cuộc bầu cử tới có ý nghĩa chính sách đối ngoại của T.T. Bush – một chính sách mạnh tay, tiên hạ thủ vi cường, dựa vào sức mạnh quân sự và kinh tế vô địch của mình, bất chấp thiên hạ, bất chấp Liên Hiệp Quốc – có phải là một chính sách khôn ngoan nhất cho Hoa Kỳ không?

Một điều rất đặc biệt nữa là cuộc bỏ phiếu T.T này là kỳ bỏ phiếu cuối cùng trước khi lớp người thuộc thế hệ được gọi là “baby-boomers”, bắt đầu về hưu. Họ thuộc thế hệ đông đảo những người đã đóng góp lớn lao cho sự phát triển của Hoa Kỳ, để đạt tới cực thịnh, trong những năm 60, 70, 80. Họ cũng đã là thế hệ gánh vác một cách dễ dàng những nhu cầu xã hội của các bậc cao niên, không còn sản xuất  được nữa. Thế nhưng khi lớp người baby-boomers này về hưu, ước lượng khoảng 77 triệu người, không làm việc nữa thì gánh nặng xã hội này sẽ rất trầm trọng. Nhiều vấn đề lớn sẽ đặt ra cho người dân đi bầu: Quỹ An Sinh Xã Hội (Social Security) sẽ có cơ phá sản, không đủ tiền để trả. Bảo Hiểm Sức Khoẻ (Healh Insurance) đang gia tăng và sẽ gạt ra ngoài lề xã hội một số mỗi ngày một lớn người dân không có bảo hiểm sức khoẻ. Vậy thì ứng cử viên T.T. nào có chương trình tốt đẹp cứu vãn những nguy cơ ấy?

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ

Ngoài ra, sau cả chục năm của một Tối Cao Pháp Viện khá bảo thủ, sau mùa bầu cử 2004, cơ quan này có cơ hội hản hửu có thể lột xác, bởi vì sẽ có thể có nhiều vị Chánh Án Tối Cao (ít ra là 3 vị: Sandra O’Connor, 74 tuổi, Paul Stevens, 84 tuổi và William Rheinquest, 80 tuổi) rút lui, và ông Tổng Thống mới sẽ có cơ hội đưa vào những vị Chánh Án mới tiến bộ hơn hoặc bảo thủ hơn nữa để  thay thế. Cuộc đầu phiếu kỳ này có thể đưa Tối Cao Pháp Viện vào một lối rẽ, sang trái hay sang phải nhiều hơn nữa, do đó sẽ mở rộng hay giới hạn thêm đời sống xã hội xứ này, trong những vấn đề như quyền tự do sinh sản của phụ nữ (phá thai, stem cells), vấn đề hôn ước giữa những người đồng tình luyến ái, vấn đề có đem hay không đem tôn giáo vào các trường học công lập, vân vân.

Tất cả những điều đó dường như đã làm cho mùa bầu cử năm nay náo nhiệt hẳn lên. Đầu tiên là Đại Hội của đảng Dân Chủ (DC) tại Boston, tấn phong cho hai TNS John Kerry và John Edward, chính thức đại diện cho đảng ra tranh cử Tổng Thống. Giới truyền thông tường thuật đầy đủ cho đó là một Đại Hội rất thành công. Vì đó mà uy tín của TNS Kerry, đang kém T.T. Bush ít ra là 4 điểm, trội hẳn lên, bằng hay dẫn trước đối thủ một vài điểm tùy theo mỗi kiểu

Hai ứng cử viên Dân Chủ

Hai ứng cử viên Dân Chủ

thăm dò. Đảng DC đã đưa Kerry ra như một mẫu người trí thức (tốt nghiệp Yale) anh hùng, dám xung phong đi lính sang Việt Nam đánh giặc, vào sinh ra tử, không sợ hiểm nguy, cứu vớt bạn đồng đội, đoạt được nhiều huân chương cao quý, xứng đáng lãnh đạo quốc gia, trong khi đương nhiệm T.T, vì có móc nối của gia đình, đã vào được Vệ Binh Đoàn sở tại (tiểu bang Texas), chỉ loanh quanh ở nhà, tránh được nguy hiểm đến tính mạng.

Sau đó đến Đại Hội đang Cộng Hòa (CH) tại Nữu Ước. Báo chí, truyền thanh, truyền hình lại được dịp làm ầm ĩ lên và cho đó là một Đại Hội chính trị thành công hơn nữa. Sau đại hội này, trong đó T.T. Bush có cơ hội đả kích đối thủ mình một cách rất hữu hiệu, uy tín của T.T. lại tăng lên và ông lại có khả năng dẫn đầu cuộc tranh cử trở lại. Đảng CH đã thành công trình bầy trước dân chúng Hoa Kỳ một ứng viên có khả năng lãnh đạo, dám nói, dám làm, sẵn sàng dùng sức mạnh, tiêu diệt kẻ địch, tiêu diệt khủng  bố, truy kích Bin Laden và ác đảng Al-Queda, dẹp tan tập đoàn ác ôn Saddam Hussein tại Irắk. Trong khi ấy, đối thủ của T.T. lại được đảng Cộng Hòa miêu tả như một ông TNS yếu kém, thiếu quyết đoán, tiền hậu bất nhất, trước đã bỏ phiếu cho quyết định của chánh phủ Bush đánh chiếm Irắk, sau lại phản đối, bởi vậy không thể lãnh đạo quốc gia vào những giờ phút khó khăn được. Còn đối với chủ đề là cựu chiến binh anh dũng từ Việt Nam về cuả TNS Kerry thì đảng Cộng Hòa đã lại đưa ra một số cựu chiến binh Việt Nam khác cho rằng Kerry đã nói phịa. Đúng hay không đúng, nói láo hay nói thật, hạ hồi phân giải, trong khi đó thì uy tín của

Ứng cử viênCộng Hòa

Ứng cử viênCộng Hòa

Kerry đã bị tổn hại không ít.

Trong bầu không khí nóng bỏng của cuộc tranh đấu sống chết của hai phe, người ta lại càng  ngóng cổ chờ đợi những cuộc khẩu chiến trực tiếp giữa hai ứng viên tranh cử, trước mặt bàn dân thiên hạ, được làm phóng sự truyền hình đi khắp nước. Cả nước Mỹ, dưới sự cổ võ, hô hào của giới truyền thông, lên cơn sốt trước một thứ Super Bowl chính trị.

Gia đình chúng tôi chỉ là một thế giới nhỏ bé của xã hội Hoa Kỳ, tất nhiên cũng trở nên náo nhiệt theo. Cũng có hai phe: Cộng Hòa và Dân Chủ, có phe Tả, có phe Hữu, tranh luận sôi nổi. Cậu con rể tôi thuộc phe Cộng Hòa. Dường như anh ta đã góp khá tiền cho đảng này nên có giấy cám ơn của T.T. Bush, kèm theo ảnh, có ký tên gửi về. Anh này có thể gọi là Cộng Hòa thứ thiệt. Con nhà khá giả, gia đình ngoan đạo (Thiên Chúa giáo), lớn lên ở tiểu bang Pennsylvania, được bố mẹ cho đi hoc ở Princeton – trường có tiếng là bảo thủ hữu khuynh – rồi Wharton, để ra làm một thứ “businessman”, chuyên nghề buôn bán công ty (Merger and Acquisition). Con gái tôi thì ngược lại, rất phóng khoáng (liberal), ngưỡng mộ đạo Phật, trưởng thành trong không khí thoả mái, phóng khoáng của vùng Massachussetts, của những đại học danh tiếng ở Boston, cả về phương diện học thức (academic) cũng như về xu hướng xã hội.. Hai vợ chồng này tranh luận luôn luôn, từ Kennedy tới Bush, qua Chiến Tranh Việt Nam, Nixon, Reagan, Clinton. Tôi lại còn có hai ông cháu con bà chị, thỉnh thoảng cũng đến bàn góp, nhất là vào dịp có tranh luận trực tiếp truyền hình giữa các ứng viên T.T.

Tôi hỏi chơi một ông cháu: “Cháu sẽ bầu cho ai?”, và được câu trả lời tức khắc: “Cháu sẽ bầu cho Bush“. Câu trả lời này đã khiến cho anh cậu này, hay là ông cháu kia, nhẩy vào: “Thằng này là dân Bôn Sa, Chống Cộng Chết Bỏ, tất nhiên phải bầu cho Bush, cậu làm gì phải hỏi nó!”. Ông em cải chính: “Tôi ở Bôn Sa nhưng chẳng phải là dân CCCB. Tôi bầu cho Bush, chẳng phải tên này chống Cộng hơn tên kia, mà tên nào cũng bồ với Pút Tin và Hồ Cẩm Đào như nhau, thì còn chống cái gì, tất cả chì vì quyền lợi. Tôi cũng vậy, bầu cho Bush chỉ vì, với Bush, tôi đã lấy về được rất nhiều tiền thuế. Có vậy thôi“. Ông anh quả quyết: “Tao sẽ bầu cho Kerry. Kerry còn dám sang Việt Nam đánh Việt Cộng, chứ Bush thì cậy là con nhà giầu có thế lực, chui vào Vệ Binh Đoàn, trốn lính. Tao không ưa chút nào“.

Tổng Thống Bill Clinton

Cuộc cãi lý giữa hai vợ chồng kia cũng chẳng đi đến đâu. Ông chồng con rể tôi phân bua: “Tôi không hiểu tại sao bà ấy lại có thể thích Clinton với Kerry được. Clinton là tên đàng điếm. Còn Kerry là tên phản bội, nói xấu quân đội mà bây giờ lại muốn làm tổng tư lệnh quân đội“. Thấy tôi đang đứng chơi với mấy cháu nhỏ gần đấy, anh ta kéo tôi vào: “Bố nghĩ thế nào?”

Bốn năm chục năm trước, chắc tôi rất sẵn sàng cho ý kiến, nhưng bây giờ thì tôi đâu muốn bị  lôi cuốn vào cuộc cãi vã vô bổ đó. Tôi bèn tìm cách đánh trống lảng .Tôi bảo họ, chính trị là một chuyện rất phức tạp rắc rối, ít người hiểu được một cách tường tân, trong số đó có tôi. Bảo là ông này nói đúng, ông kia nói sai thì có lẽ là mình cũng nói đúng mà cũng nói sai nữa. Bởi vì trong chính trị, không có hoặc trắng hoặc đen, đúng sai rõ rệt, mà chỉ có xám, vừa trắng vừa đen, vừa đúng vừa sai. Những người làm chính trị là những người biết cách chắt lọc ra những cái trắng có lợi cho họ rồi trình bầy như là toàn thể. Ngoài ra họ là những người có tài thuyết phục rất cao, rất tinh vi. Những người khác phần lớn chỉ biết nghe, không suy nghĩ nhiều, không dùng lý trí để suy xét, mà để tình cảm, tiếng gọi của con tim dẫn dắt, mà có một lập trường chính trị. Một khi để tình cảm vào lập trường chính trị thì tranh luận để tìm cách thay đổi lập trường của người khác thường là một chuyện vô bổ.

* * *

Nói cho cùng, mặc dầu cuộc tranh cử Tổng Thống giữa Bush và Kerry rất ầm ỹ, có vẻ rất gay cấn – hai bên đã trao đổi với nhau những lời mạt sát thậm tệ, dùng những thủ đoạn thâm độc dể hạ nhau – sự khác biệt về chánh sách của cã hai ông không nhiều. Có lẽ điểm khác biệt nhiều nhất – không phải về kinh tế, tài chánh, về quân sự, ngoại giao – mà là về giá trị đạo đức. Ông Bush muốn cấm phá thai, cấm hôn ước giữa những người đồng tình luyến ái, nếu cần, sửa đổi Hiến Pháp cho việc này. Ông Kerry có lập trường thoải mái, lỏng lẻo hơn, nhưng cũng không giải tỏa hoàn toàn. Ông Bush ngả về, và được sự ủng hộ nhiệt tâm của các đoàn thể tôn giáo, Tin Lành cũng như Ca Tô La Mã (công giáo), mặc dầu ông Kerry là người công giáo.

Tờ tuần báo The Atlantic

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng tất cả những tranh luận hiện nay trong xã hội Hoa Kỳ, những ầm ỹ trên  báo chí, trên đài truyền hình, là những chuyện vô bổ. Một nhà bình luận gia – James Fallows, trong bài viết “When George Meets John” đăng trong tờ Atlantic – đã cho rằng cả hai (Bush và Kerry) đã chỉ tìm cách đưa cá nhân mình ra đánh vào tình cảm người nghe – mà ông gọi là “emotional identification”- chỉ vẽ một hướng đi cho người ta thích. Họ chỉ dùng thủ thuật tô vẽ, đánh bóng cái hình ảnh của mình trên vô tuyến truyền hình, hơn là trình bầy những ý kiến rõ rệt. Mà ý kiến của họ đâu có khác nhau bao nhiêu?

Sau cuộc bầu bán này, bốn năm tới đây, sẽ có gì thay đổi không? Cả hai ông tranh cử, không ông nào đả động đến vấn đề Palestine, đến chính sách của Hoa Kỳ đối với Do Thái. Trong mấy cuộc đối thoại, cũng không thấy điều hợp viên nào, người của giới truyền thông, đặt vấn đề Do Thái/Palestine thành câu hỏi cho các ứng viên. Những người quan tâm, ai cũng biết rằng – không nói đến đa số dân chúng Hoa Kỳ được giới truyền thông bưng bít – không thể có hòa bình ở Trung Đông khi vấn đề này không được giải quyết ổn thỏa. Sự nghi kỵ, xa hơn nữa sự chống đối, của người Ả Rập,  hay xa hơn thế nữa, chiến dịch khủng bố đối với Hoa Kỳ, bắt nguồn sâu xa, và đang được nuôi dưỡng bởi chính sách của Hoa Kỳ với quốc gia Do Thái. Đây là một vấn đề trọng đại. Cả hai ứng viên, và cả giới truyền thông, dường như đều muốn tránh né vấn đề, để khỏi làm mất lòng khối người Mỹ gốc Do Thái tại đây. Vả lại, ở xứ này, có ai cần đến mấy triệu dân Palestine nghèo khổ đâu mà phải quan tâm? Thế nhưng, nhũng tiếng kêu thảm thiết của họ lẫn với tiếng cầu kinh Koran bi ai vang rộng rất xa vào thế giới Ả Rập, vào lòng những người trẻ Muslim sẵn sàng tử vì đạo.

Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều trái ngược. Họ rất hãnh diện có một nền đại học hàng đầu, Họ đã đoạt tới 60% các giải thưởng Nobel phát ra từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. Thế nhưng hệ thống trung tiểu học công lập của họ thì lại quá tệ: Học trò dốt nát, thầy cô yếu kém, trường sở thiếu tu bổ, thiếu kỷ luật, nhiều hành hung. Chính phủ báo cáo có 85% học sinh học song trung học, thế nhưng nhiều nhóm nghiên cứu đồng ý có tới một phần ba bỏ dở (drop out), nhất là trong nhóm dân thiểu số, Mỹ da đen và Mỹ gốc La Tinh (Mễ). Nói như vậy không phải là Mỹ không có những trường Trung học tốt có trình độ cao như ở Âu Châu. Nhưng số này chỉ chiếm 12% mà thôi, và là nhũng trường tư thục mà không phải ai cũng có thể vào được. Không thấy có một sáng kiến nào từ các ứng viên Tổng Thống – con cái họ đều học trường tư  – san bằng sự sai biệt này. Có thể là ai cũng muốn lấy lòng Nghiệp Đoàn Giáo Chức, một tổ chức đông đảo khá mạnh, không ai muốn mất lá phiếu nào của họ.

Sai biệt đáng kể phải ở trên lãnh vực giầu nghèo trong xã hội. Trong 30 năm qua, xã hội Hoa kỳ đã trở nên giầu có hơn, nhưng phần lớn tiền của được tập trung nơi hạng người ít cần đến tiền nhất. Trong năm 2003,  21.7% tài sản chung của tất cả mọi người Hoa Kỳ nằm trong tay 5% gia đình giầu có nắm giữ (tài liệu của Cato Institute). Dân chúng Hoa Kỳ – do đó các ứng cử viên Tổng Thống – có lẽ không quan tâm nhiều đến sự sai biệt này, vì phần lớn họ cảm thấy còn hơn nhiều người khác. Bất bình đẳng là chuyện đương nhiên, không có gì phải thay đổi.

Với một ông Tổng Thống mới hay vẫn ông Tổng Thống cũ với một nhiệm kỳ mới, chắc sẽ chẳng có thay đổi gì nhiều cho quốc gia Hoa Kỳ, nữa là cho thế giới. Bốn năm tới, Hoa Kỳ sẽ còn phải tiếp tục đương đầu với sự chống đối của khối Ả Rập, do đó những chiến tranh tiêu hao kiểu A Phú Hãn hay Irắk sẽ còn dài dài. Thanh niên Hoa Kỳ sẽ còn được gọi đi dưới thiên sứ – TT Bush luôn luôn nhắc tới Thiên Chúa đã  giúp ông hoàn thành sứ mạng dẹp lũ  ác quỷ – đem lại Tự Do Dân Chủ cho các xứ Ả Rập. Hoa Kỳ đã có thể làm ra những võ khí có sức tàn phá kinh khủng, thế nhưng hỗn hợp hận thù pha với đức tin tôn

World Trade Center ngày 11 tháng 9, 2001

World Trade Center ngày 11 tháng 9, 2001

giáo của người Muslim cũng không kém khủng khiếp, như biến cố 9/11 đã chứng tỏ.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đoạt nhiều giải Nobel với những khám phá mới. Nhưng học trò trung tiểu học phần lớn vẫn sẽ chẳng học được bao nhiêu. Hoa Kỳ sẽ càng phồn thịnh, nhưng hố cách biệt giầu nghèo trong xã hội càng thêm lớn. Hoa Kỳ vần sẽ dẫn đầu thế giới với số những nhà tỷ phú, cũng như vẫn sẽ dẫn đầu thế giới với số tù nhân trong các trại giam.

Bốn năm sau nữa, Hoa Kỳ sẽ lại có một Super Bowl chính trị khác. Cả hai phe sẽ cần đến nhiều tiền hơn nữa để tranh cử. Các đại công ty công kỹ nghệ, các tổ hợp kinh doanh, các nhà tài phiệt lớn, các tôn giáo lớn, các đoàn thể, các hội đoàn quan trọng sẽ tiếp tục bỏ tiền ra cho con gà nòi của mình với hy vọng sẽ được dền bù một khi thắng cử. Những ngưòi làm chính trị với nhiều lý tưởng, nhưng thiếu thực tế, nghĩa là thiếu tiền, như kiểu Ralph Nader sẽ chỉ đứng ngoài rìa. Ở một hệ thống tuyển cử không dựa vào vốn liếng tài chánh phải bỏ ra để tranh cử như ở Pháp, thì những người như Ralph Nader mới có hy vọng. Không được làm gà nòi, thì chọi được với ai? Luật chơi là như vậy. Các nhà lãnh đạo chính trị, đại diện cho cái gọi là “The Establishment”, trước khi đại diện cho người dân bình thường, không ai muốn thay đổi làm chi.

* * *

Tôi mới được biết tới Hoa Kỳ và chế độ chính trị nước này vào những cuối năm 50, khi người Mỹ bắt đầu vào Việt Nam. Ngày ấy, tôi có một ông Cố Vấn Kỹ Thuật Hoa Kỳ rất thích nói chuyện chính trị. Ông đã bỏ nhiều công lao và thì giờ giải thích cho tôi nghe những cái hay của chế độ lưỡng đảng: Dân Chủ và Cộng Hòa hay thế nào dở chỗ nào. Trong khi đàm luận, chúng tôi đã cùng

Hút thuốc lá nhiều lắm

nhau uống nhiều cà phê và hút khá nhiều thuốc lá. Hồi trẻ, tôi hút thuốc lá nhiều lắm. Thấy vậy, ông bạn Mỹ, cũng là một tay nghiện hút, thỉnh thoảng mời tôi dùng thử thuốc là Hoa Kỳ. Ông hay mời tôi Marlboro hay Chesterfield là hai loại ông ưa dùng. Như một tay điệu nghệ, ông cố công phân tách hương vị khác nhau của hai thứ thuốc lá này, mà tôi chỉ hiểu lờ mờ, như khi ông giải thích cho tôi nghe sự khác biệt giữa Cộng Hòa và Dân Chủ : nào là Marlboro có chất đặc biệt xứ Texas, mạnh mà ngọt ngào, trong khi Chesterfielf lại nhẹ nhàng thơm tho một cách trí thức của xứ nhiều hoa thơm cỏ lạ vùng Đông Bắc Hoa kỳ. Về sau tôi mới biết là hai thứ thuốc lá này thực ra cùng do một công ty rất giầu có (Philip Morris) bỏ vốn ra sản xuất.

Thuốc lá Mélia Saigon

Thuốc lá Mélia Saigon

Có một lần ông hỏi tôi thích thứ nào hơn. Ngày ấy tôi hay hút thuốc lá đen, đơn giản, không đầu lọc, không pha chế, nên chỉ  thấy thuốc lá Hoa Kỳ khác lạ, không phân biệt được hay dở mỗi thứ. Thấy tôi có vẻ lúng túng trả lời, và biết rằng tôi cũng đã ở Pháp một thời gian, ông đã trả lời thay: “Chắc là anh thích hút Gitanes hay Gauloises hơn, có phải không?”. Tôi cười, đưa điếu thuốc đang hút dở ra cho ông xem và trả lời: “Anh xem đây, bây giờ tôi chỉ hút Mélia vàng của xứ tôi thôi“.

3 responses to “Marlboro Hay Chesterfield?

  1. Anh Đào Viên thân mến!

    Thành thật cảm ơn Anh Đào Viên đã gửi cho bài viết rất hay.

    Đọc rồi, trong niềm thú vị rất riêng tư (vì tìm được người nói lên được những suy nghĩ không-nói-thành-văn được của chính mình), tôi nhận ra rằng: Thi ra qua mấy chục năm quen thân với anh, anh vẫn thế… một con người trầm ĩinh, khoan thai, thanh thản… mà sâu sắc, tế nhị, nhạy cảm, mà tôi đã từng biết

    Mong bài này được phổ biến rộng rãi, cả trong và ngoài nước, khắp thế giới.

    Đặc biệt thích thú với đoạn kết của bài này (à, anhĐào Viên ơi, thuở sinh tiền, có dạo ông Cụ. thân sinh tôi cũng đã “ghiền” Melia vàng đấy!)

  2. Cám ơn ông Đào Viên.
    Ngày xưa tôi cũng là dân hút thuốc gần bằng ông Đào Viên (2 gói/ngày) nên rất khoái bài này.

    Tôi cũng hút thuốc lá đen mấy thứ mà ông Đào Viên kể ở cuối bài.

    Chúc ông được mọi sự như ý.

    Thân,
    Đ. V. Thám

  3. Nguyễn ĐỊnh

    kính gửi bác Đào Viên,
    Đoạn kết của bài khá cảm động cho cháu, vì ngaỳ xưa còn nhỏ ông già hay sai cháu đi mua thuốc lá cho ông, mà ông già cháu thì cũng chỉ hút Melia vàng, cháu thấy ngày xưa thì hình như nhiều người hút Ruby, Capstan hay Basto hơn thì phải ?
    ông già cháu theo ông bà đã hơn 20 năm rồi, và bây giờ thì mới nhìn lại được hình ảnh gói thuốc lá thân thương ngày xưa.
    cám on bác.
    cháu Định

Leave a comment