Bà Kể Chuyện Ngày Xưa


Một người làm quan, cả họ được nhờ

–          Tục Ngữ Việt Nam

Đào Viên

Lời giới thiệu – Người kể câu chuyện ngày xưa dưới đây là bà ngoại của các cháu. Bà cụ, nhũ danh là Phan Thị Nhịnh, sinh năm 1910,  pháp danh Diệu Phúc, mất năm 2006, thọ 96 tuổi, sinh trưởng tại làng Địch Lễ, tổng Đông Phù, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Năm cụ được 85 tuổi, các con cháu trong nhà làm lễ Thượng Thọ mừng tuổi hạc của cụ. Cụ ngẫu hứng ngồi kể lại tình xưa tích cũ để các con cháu nghe.

Những nhân vật được cụ nói đến trong chuyện kể này, trước nhất là thân phụ là cụ Phan Đình Tự, tự là Hòe. Cụ Hòe sinh năm 1876 mất năm 1954, thọ 78 tuổi, hiệu là Thu Viên Tụy Khánh Công, đậu Cử Nhân (Hán học) khoa Canh Tý (1900), tước phong Hiệp tá Đại học sĩ, làm tới Tuần Phủ (Ninh Bình) trước khi hồi hưu.

Sau đó, cụ Phan thị Nhịnh cũng kể nhiều chuyện liên quan đến ông bà nội của cu. Cụ ông tên là Phan Đình Hiến (1854-1924), đi thi Hương không đậu, phải ở nhà giậy học và làm thuốc. Cụ bà tên là Trần Thị Hinh (1856-1948) ở nhà làm nghề bán bún. Vì vậy các cụ còn được gọi là ông bà Lang Bún. Nhờ con (cụ Hoè) vinh hiển nến hai cụ được triều đình cáo tặng là Đô Sát Viện – Phó Đô Ngự Sử và Nhị Phẩm Đoan Nhân.

Mới đây, nhân ngày giỗ cu Nhịnh năm 2010, đánh dấu môt thế kỷ cụ sinh ra đời, với biết bao lớp sóng tang điền xô đẩy trong xã hội,  dở lại cuốn băng ghi lời cụ kể chuyện với biết bao kỷ niệm nên thơ, những tập tục đặc thù của dân tộc nay không còn nữa, chúng tôi muốn chia sẻ với quý hữu Vườn Đào, mẩu chuyện cụ kể, với những mảnh đời không gây chú ý, nhưng cũng đánh dấu thoảng qua một giai đoạn lịch sử nước nhà.

Vì chữ “bà” trong đây được dùng vừa ngôi thứ nhất (người kể chuyện) vừa ngôi thứ ba (người khác), nên để tránh ngộ nhận chữ “bà” trong ngôi thứ nhất sẽ được viết hoa là “Bà”.

Xin mời quý bạn nghe chuyện ngày xưa cụ kể:

***

Năm nay Bà 85 tuổi, sống bên Mỹ, xa quê hương Việt Nam vì thời cuộc, nghĩ lại quãng thời gian lúc còn nhỏ và sau này có gia đình, bao kỷ niệm vui buồn mà mà con cháu hiện nay, một là xa quê hương, hai là thế hệ các cháu khác rất xa với thế hệ của Bà, cách nhau hằng năm sáu chục năm, nên những phong tục tập quán của Việt Nam mình các cháu không hiểu rõ, nên Bà nói chuyện cho các cháu biết về tục lệ và đời sống cũng như phong tục và lễ giáo củaViệt Nam nói chung, và nếp sống đạo đức , luân lỳ của gia đình mình nói riêng. Bà nhớ đâu nói đó, các điều Bà thấy nghe, hay là do bà nội Bà và mẹ Bà kể lại.

Ông Nội Bà.

Ông nội Bà là cụ lang Đông Y. Thời đó làm nghề thầy thuốc gọi là ông Lang, như danh từ bác sĩ bây giờ. Bà nội Bà làm bún bán. Nhà cửa thật thanh bạch, tức là nghèo tiền. Ông nội đi thi không đỗ, quay sang học sách thuốc và làm ông Lang. Ông bà nội của Bà có 3 con trai, 2 con gái. Bố Bà, tên là Phan Đình Hoè là con đầu lòng. Bà nội nói bố Bà rất thông minh, chăm học, hơn hẳn các em. Ngoài sự học còn giã bột giúp mẹ làm bún, và làm các việc lặt vặt mà các em không làm song.

Cụ Phan Đình Hòe

Năm Canh Tý (1900) bố Bà đi thi lần đầu tiên. tại trường Nam(1). Bắc kỳ có hai trường thi: trường Hà (Hà Nội) và trường Nam (Nam Định). Hợp thí (thi chung) tại thị xã Nam Định. Bố Bà thông tuệ khác người cho nên đi thi, chỉ một khoá đầu là đậu ngay, mà đậu Thủ khoa trường Nam, Cử nhân thứ 5 trong hợp thí. Năm ấy cụ mới 25 tuổi, người trẻ nhất trong khoa thi mà cũng là người đầu tiên đậu Cử nhân trong tổng Đông Phù. Cử Nhân có nghĩa là người được chọn cử vào thi Đình tại Huế.

Thời đó sự học khác hẳn bây giờ, ai có tiền mới theo học tại các trường được. Nếu không thì phải học ở nhà. Làng nào có cụ Đồ là may lắm. Cụ đồ là các cụ đi thi không đỗ, về nhà dạy lũ trẻ trong làng học vỡ lòng, như mẫu giáo và lớp một lớp hai bây giờ. Còn thì cứ phải tự học lấy. Nếu học khá hoặc may có người tiến cử giới thiệu thì mới được các cụ Giáo, cụ Đốc trường tỉnh nhận làm học trò, cho sách cho đầu bài về nhà học. Những cụ Giáo, cụ Đốc là những vị khoa bảng, đã đỗ dạt, mở trường giậy học. Vài tháng có một kỳ cho học trò đến trường bình văn, tức là trình bầy bài của mình, rồi thầy giáo cho đọc bài của các học trò lên cho cả trường nghe. Sau cùng thầy chấm bài cho điểm.

Thầy đồ trường làng

Bố của Bà thuộc lớp học ở nhà, được cụ Đốc ở làng Tả Thanh Oai, thuộc về tỉnh Hà Đông, cho làm học trò, đưa bài lên nhà cụ để bình văn. Cụ Đốc Tả Thanh Oai là cụ Ngô Giáp Đậu, đậu Cử Nhân và được triều đình bổ làm Đốc học tỉnh Hà Đông. Cụ Ngô Giáp Đậu là cháu bốn đời cụ Ngô Thời Nhiệm(2).

Bố Bà ở tỉnh Nam Định cách Thanh Oai, Hà Đông trên 100 cây số, phải đi bằng xe lửa mà đến trường, nếu bà nội Bà có đủ tiền. Có những lần nhà không đủ tiền thì bố Bà phải đi đò, đường thủy. Đi xe lửa thì chỉ nội ngày hôm đó là đến. Còn đi đò thì mất ba ngày. Bà nội Bà nói lúc đó nhà nghèo, nhiều hôm bún bán không hết phải ăn bún chấm nước tương thay cơm.

Tục lệ thi cử ngày xưa.
Thời đó cứ ba năm mới có một khoa thi. Khoa thi được tổ chức ở địa phương

Học trò lều chõng đi thi

(Tỉnh) như thế gọi là Thi Hương. Đi thi thì phải có lều chõng. Lều thì có bốn cọc, vải che kín bốn bề và nóc lều. Trường thi là một bãi đất trống phân chia thành từng khu đánh số thứ tự. Mỗi thí sinh có một cái chõng tre có bốn chân. Mặt chõng thì đan bằng những thang tre. Chõng đó để ngồi làm bài nên viết thi ngồi trên chõng mà viết. Ai đi thi thì phải tự sắm lấy lều chõng chứ không có sẵn trong trường thi của nhà nước, nên nhà nghèo đi thi thật vất vả, phải nhờ bà con họ hàng giúp cho việc vác lều chõng. Còn người đi thi thì ngoài việc mang quần áo, giấy bút còn phải mang theo một cái áo thụng xanh là đồ áo dài mặc tế lễ ở đình làng. Áo ấy phải mượn của làng để khi xướng danh, có tên mình đỗ, thì phải mặc ngay áo thụng vào để lạy giám khảo. Cho nên mỗi lần đi thi, mỗi thí sinh phải lo có đủ tiền ăn và ở trọ gần trường thi cho mình và cho người mang giúp lều chõng.

Kỳ thi gồm nhiều ngày. Ngày đầu gọi là kỳ Đệ Nhất. Lọt vào được kỳ Đệ Nhất thì được vào kỳ Đệ Nhị. Lọt được kỳ Đệ Nhị thì mới được tiếp tục thi. Trượt thì đi ra, nhưng cũng được gọi là Ông Nhất, Ông Nhì. Còn tiếp tục thì ở lại thi hết những ngày kế tiếp.

Xướng danh bằng loa tên tân khoa

Thi song, ai nhiều điểm là Cử Nhân. Ai ít điểm là Tú Tài. Cử Nhân thì phải học thêm hai năm Hậu Bổ mới được bổ đi làm quan. Tú Tài thì chỉ được làm Huấn Đạo, tức là để đi dậy học, không được làm quan. Có nhiều người đậu Tú Tài rồi đợi ba năm sau lại đi thi nữa, mong được Cử Nhân, mà lại vẫn chỉ đỗ Tú Tài thôi. Có cụ thi thêm hai ba khoá nữa vẫn chỉ Tú Tài nên được gọi là Cụ Kép, Cụ Mền.

Thời đó đi thi không những cần văn hay mà còn phải tránh nhiều điều làm cho mình bị loại. Luật lệ trường thi là phải kiêng phạm húy, tức là trong câu văn phải kiêng viết tên bố mẹ, ông bà tổ tiên của Vua và Hoàng Hậu (tức vợ Vua). Câu văn không có tên húy mà vẫn hay mới được chấm tiếp. Bài thi mà phạm húy thì bị đánh trượt, gọi là phạm trường qui. Nhiều cụ có con đã thi đỗ đã ra làm quan rồi mà mình vẫn vác lều chõng đi thi. Có câu chuyện một gia đình trong đó con đã làm quan to trong triều đình. Khóa ấy ông con này được làm giám khảo, lúc chấm bài, gặp đúng bài của bố – nhưng không biết – có phạm huý nên đánh hỏng. Sau khoa thi, ông bố hỏi con, khóa này có bài nào hay không? Con trả lời có một bài rất hay, chỉ tiếc vì phạm húy không thể lấy đỗ được. Bố hỏi bài đó thế nào. Ông con nói rõ các câu trong bài thi đó, thì chính ra là bài của bố mình.

Bố Bà và ông Tú Xương

Nhà cụ Tú Xương tại Nam Định

Bà nội của Bà kể lại chuyện hôm đãi tiệc mừng con là Phan Đình Hòe thi đỗ. Năm ấy là năm Canh Tý tức là năm 1900. Các khách hàng tổng, khách cả làng, cả họ nội họ ngoại đến mừng, thì ông bà nội của Bà mừng không thể kể. Khoa thi năm ấy số thí sinh gần 16 ngàn người, mà bố bà đậu Cử Nhân thứ 5, nên cụ Tú làng Vị Xuyên, tỉnh Nam Định, là cụ Tú Trần Tế Xương – người ta gọi tắt là cụ Tú Xương(3) – đã có thơ vịnh bố Bà như sau:

Ông Cử thứ năm con nhà ai
Học trò cụ đốc Tả Thanh Oai
Mẹ nghe con đỗ rối canh hẹ
Bố vứt dao cầu xuống ruộng khoai.
 

Ông nội của Bà là ông Lang thuốc nên thái các vị thuốc bằng dao cầu. Dao cầu là một thứ dao lớn, sắc và nặng mới có thể cắt những vị thuốc thảo mộc, khô, to mà cứng. Còn bà nội của Bà bán bún , mà bún nấu canh với cua thì bỏ lá hẹ cho thơm. Bởi vậy cho nên cụ Tú Vị Xuyên mới nói là mẹ thì rối canh hẹ, bố thì vứt dao cầu, là đồ nghề làm thuốc, xuống ruộng khoai. Một bài thơ khác cũng của cụ Tú Xương vịnh bố Bà thi đỗ là:

Ông Cử thứ năm ai làm nổi
Học trò cụ Đốc ở Hà Nội
Bà cố nghe tin cười hì hì
Đổ cả riêu cua xuống vũng lội
 

Thời đó có con đậu Cử Nhân trở lên là có hy vọng ra làm quan, rất vinh hiển, thì bố mẹ được gọi là cụ Cố. Bố Bà đáp lại rằng:

Kìa thằng hỏi lão nó là ai
Chính lão, môn đồ cụ Đốc Oai
Con đỗ mẹ mừng công dưỡng dục
Dao cầu đâu có cắt dây khoai.
 
 

Thời đó nưóc ta bị Pháp đô hộ nhưng vẫn có vua và chế độ quân chủ. Triều đình Huế vẫn tổ chức thi cử bằng chữ Nho.. Đỗ Cử Nhân rồi mà muốn thi cho đỗ cao hơn nữa thì một năm sau có khoa thi Hội. Khoa thi Hội thì mở ở Huế là thủ đô của Việt Nam . Ở Huế có vua và các quan về ngành quan lại của triều đình. Muốn thi Đình thì phải vào Huế chờ đợi. Có đậu được nữa hay không thì chưa biết, mà nhà thì nghèo. Bố Bà thấy bà nội vất vả nên quyết định ở lại quê nhà xin học Hậu Bổ, để chóng ra làm quan để có phương tiện giúp bố mẹ. Hồi đó ai đậu Cử Nhân thì được học Hậu Bổ để ra làm quan cai trị. Học hai năm Hậu Bổ sẽ được làm quan Huyện, rồi thăng Tri phủ rồi Án Sát, rồi Tuần phủ, là quan đứng đầu một tỉnh.

Trở lại cuộc đời của bố Bà, sau hai năm học Hậu bổ thì ra làm quan Huyện, hay Tri Huyện, cai trị một huyện gồm mấy tổng và muời mấy làng. Làm Tri Huyên một hai năm lại bị đổi đi huyện khác. Tri phủ Án sát cũng thế. Chỉ khi bố Bà được thăng làm Tuần Phủ ở tỉnh Ninh Bình rồi thì khi đáo hạn xin về hưu luôn. Trải 33 năm làm các chức quan cai trị(4), bố Bà  cũng gặp nhiều thăng trầm, nhưng sau cùng đều qua khỏi những vụ đó. Ông bà nội Bà, cà bố mẹ Bà đều nói là đó là phúc đức của tổ tiên để lại, nên mọi sự không may đều qua khỏi.

Mẹ Già và Mẹ ruột của

Theo lời bà nội nói về mẹ già của Bà (tức là bà vợ cả của cụ Phan Đình Hoè) thì người là bạn học của bố Bà. Thời đó chưa có trường dạy quốc ngữ, chỉ có các cụ đồ dạy chữ Nho. Cụ đồ lại là bố của mẹ già của Bà, người cùng làng, nên con gái cụ cũng được đi học. Bố Bà là học trò cụ đồ đó. Cụ đồ thấy bố Bà tuy nhà nghèo, nhưng học giỏi lại có hiếu với bố mẹ, chịu mọi thiếu thốn về cuộc sống, mà vẫn giúp mẹ làm các việc xay bột, làm bún và làm các việc của các em khi các em khong làm xong để mẹ khỏi phải làm. Cho nên cụ đồ bèn gọi gả con gái cụ cho bố Bà. Bố Bà thấy con gái cụ đồ tính nết hiền lành, ít nói nên rất vừa ý. Thế nhưng bà nội Bà lại bảo con bé đó không khôn ngoan, tháo vát, sợ sau này không giúp chồng lo toan việc gia đình,trong khi ấy gia đình mình thì nghèo, con cần có người vợ tháo vát để cùng xây dựng.

Bố Bà bèn thưa với bà nội rằng. “Con tin rằng con sẽ đủ sức nuôi vợ con và con chỉ cần một người vợ hiền và biết hiếu thuận với cha mẹ, và nghe chồng. Con nhận xét người này có các đức tính đó. Con xin bố mẹ cho phép con lấy”. Quả nhiên sau hai năm với cô con dâu trưởng, bà nội Bà rất vừa ý. Về cô con dâu này, bà nôi nói là bố là nhận xét rất đúng. Mẹ gìa Bà rất hiền, và chiều theo bố Bà, nên bố Bà cưới về.  Trong suốt cuộc đời ở chung, hai người không xẩy chuyện to tiếng nào. Lại nữa, các con của mẹ già Bà ở nhà đều coi mẹ ruột của Bà là thứ mẫu (tức mẹ thứ hai). nhất là anh cả của bà khi nói với mẹ ruột Bà cũng lễ phép như nói với mẹ ruột ông ấy.

Khi bố Bà gặp mẹ Bà, bố Bà đã làm Tri Huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Lúc ấy bố Bà đã 31 tuổi, mẹ Bà mới 16. Ông ngoại Bà đỗ Tú tài người làng Thịnh Đại, thuộc huyện Kim Bảng. Anh của mẹ Bà làm Lý Trưởng làng Thịnh Đại. Mỗi khi quan huyện về làng nào thì lý trưởng phải có bổn phận đưa các viên chức trong làng ra đón tiếp, và trình bầy các việc về thuế má và các việc khác trong làng. Khi đó quan Huyện hội họp với mọi người ở đình làng.

Thứ thất cụ Hòe (Mẹ ruột Bà)

Làng Thịnh Đại có chợ rất lớn gọi là chợ Đại. Từ nhà ông ngoại Bà đến chợ phải đi qua đình làng. Nhà ông ngoại Bà có vườn rất rộng có nhiều cây ăn trái như ổi, mận, cam, quýt, chanh và cau để ăn trầu. Mẹ Bà thường gánh các trái dó ra chợ bán cùng mấy chị em họ gần nhà. Nhiều lần bố Bà về làng, ngồi ở đình thấy đám con gái gánh hàng ra chợ, cụ để ý đến mẹ Bà nên mới hỏi mấy ông viên chức trong làng là con người thấp nhỏ đó là con nhà ai. Họ nói cô ấy là con cụ Tú làng Đại, em ông Lý Trưởng.

Bố Bà sau buổi họp, bèn nói với ông Lý Trưởng rằng muốn được gặp cụ Tú, vì người rất trọng các cụ nhà nho, nên muốn đến thăm. Ông quan Huyện Phan Đnh Hoè lại đổi cách xưng hô mà gọi ông Lý trưởng là Anh Lý, chứ không gọi là Thầy Lý nữa. Cho nên sau lần đến thăm đó, ông ngoại Bà đã biết ý của bố Bà rồi. Mấy tháng sau, khi bố Bà về thăm ông bà nội của Bà thì thưa là muốn xin cưới con gái ông Tú ở làng Thịnh Đại. Ông bà nội Bà bảo rằng: “Tôi đã cưới vợ cho anh rồi, còn bây giờ, về chuyện này, anh hãy hỏi vợ anh, nếu vợ anh bằng lòng ai thì chúng tôi cũng bằng lòng người ấy”, Bố bà thưa lại là “Con chắc chắn nhà con cũng bằng lòng”.

Sau đó ông bà nội Bà sai chú Bà là ông Cửu Hai cầm thư lên làng Thịnh Đại đến nói với ông bà ngoại Bà là xin cưới mẹ Bà. Ông Cửu Hai là em ruột bố Bà, tên là Phan Đình Quế, mua được cái phẩm hàm  Cửu Phẩm Văn Giai nên gọi là ông Cửu Hai. Ông ngoại Bà, tức là cụ Tú làng Thịnh Đại, nhận được thư liền viết trả lời xin hẹn sẽ cho biết ý kiến sau. Trong thư cụ Tú ngỏ ý là có thể nào biết ý kiến của cụ Cố không, ý muốn biết bà vợ cả đương thời của ông Huyện có đồng ý không. Bố Bà biết là có sự e ngại về mẹ già Bà, nên bố Bà liền nói thế nào mà mẹ già Bà, tức là bà vợ chánh thất, sẽ cùng đi với cô của Bà tên là cô Hương (em gái bố Bà lúc đó chưa lấy chồng) đến nhà ông ngoại Bà xin cưới mẹ Bà về giúp việc nhà. Thế là việc hôn nhân đã thành.

Mẹ bà có 5 con, 2 trai, 3 gái. Bà là con lớn nhất. Vì bố Bà rất khéo xử, và mẹ già Bà là người rất hiền, mà mẹ Bà – bây giờ là thứ thất – lại chăm chỉ tháo vát nên trong nhà rất êm ấm hòa thuận. Mẹ Bà nói là lúc bố Bà làm quan các phủ huyện, khách khứa tiệc tùng, mẹ gìa Bà không phải lo liệu gì về việc cắt đặt công việc, bảo bếp làm cỗ để đãi các bạn bè của chồng. Mẹ bà đều làm đủ các việc đó nên được ông bà nội và mẹ già Bà rất vừa ý, cho nên mọi người đều có nhiều thiện cảm với Bà. Mẹ Bà, khi về làm vợ thứ của bố Bà, mới được 16 tuổi, kém bố Bà 15 tuổi. Lúc Bà lớn lên được 10 tuổi, Bà thấy cụ rất đẹp, đẹp theo thời đó. Da trắng tóc dài, người nhỏ thấp, răng rất đen, đi đứng dịu dàng, nói cười không bao giờ ồn ào, giữ đúng mẫu mực con nhà có lễ giáo nên ông bà nội và bố Bà rất vừa lòng.

Tục nhuộm răng đen

Một cô gái nhuộm răng đen

Thời đó con trai, con gái 12, 13 tuổi là phải nhuộm răng đen. Nhộm răng đen, cùng với ăn trầu, là một tập tục của dân mình có tự ngàn xưa. Răng đen là vẻ đẹp của người mình, nhất là của người con gái, mà lại giúp cho răng được bền tốt, ít bị sâu răng. Nhưng nhuộm răng là một cực hình thời đó vì phải nhuộm ban đêm, Ở tuổi đó cần ngủ hơn ăn, hễ nằm là ngủ, nên bà vú nuôi hay mẹ mình phải giúp cho sự nhuộm răng.

Thuốc nhuộm có 2 thứ: đầu tiên nhuộm đỏ. Đó là một thứ vỏ cây, mà bà không biết là cây gì, chỉ thấy mọi người gọi là “cánh kiến”. Vỏ cánh kiến đem tán nhỏ, xay thật kỷ rồi lấy bột đó đem trộn với rượu cho đặc sệt sệt, để chừng 10 ngày. Rồi lấy lá cây cau hay lá cây chuối, cắt bề ngang độ một phân, bề dọc thì đo vào hàm răng cho vừa chiều dài, để rồi lấy cánh kiến đó phết vào cho vừa đủ. Tối đến, mẹ hay bà vú mình đợi cho mình đã ngủ say rồi mới gọi dậy, lấy lá đã phết cánh kiến đó, đặt vào hai hàm răng song, rồi mới cho đi ngủ lại. Đến nửa đêm lại gọi dậy bỏ lá thuốc đó đi, súc miệng cho sạch, rồi lại ngậm lại lá thuốc khác. Một đêm nhuộm hai lần thuốc nhuộm đó. Nhuộm đỏ phải mất độ hơn mười ngày đến 15, 16 ngày. Khi nhuộm răng, ăn không được nhai, thường chỉ ăn cơm với canh mà nuốt chửng chứ không nhai sợ mất thuốc nhuộm. Cho nên người nhuộm răng thường ăn cháo thay cơm. Người ta có câu là “mặt có xanh thì nanh mới vàng”, tức là vì ăn không đầy đủ nên mặt xanh, còn nanh là răng thì mới thấm mầu, vàng trước đỏ sau.

Khi nhuộm thuốc đỏ xong thì nhuộm đến thuốc đen. Không biết thuốc đó làm bằng chất gì cứ ra chợ, sẽ thấy nhiều người bán thứ thuốc đó. Thứ thuốc đó có tốt hay không thì lấy một tí vào ngón tay, lăn đi lăn lại thấy đen nhiều thì mua. Nhuộm đen cũng giống như nhuộm đỏ phải phết thuốc vào lá. Thuốc đen chỉ cần nhuộm hai hay ba đêm thôi. Thuốc đen này vì nó rất tanh và có tính cách soi mòn nên sẽ làm cho sưng lợi và bên trong má. Vì vậy nhuộm thuốc đen là cả một cực hình. Sau khi nhuộm đen song còn phải lấy mảnh sọ dừa khô, đốt cháy để vào con dao rựa, tức là con dao thật to bản, cho nhựa ở vỏ dừa chẩy vào con dao đó. Hớt lấy nhựa vỏ dừa mà sát vào hai hàm răng nhiều lần. Làm như vậy để cho răng đen và bóng thêm. Lúc đó môi lợi đều sưng và đau rát. Độ một ngày thì bớt đau lần lần. Ai chiụ khó kiêng ăn không nhai kỹ thì răng sẽ đen nhiều.

Thời đó răng đen nhiều là một vẻ đẹp của người con gái, cho nên người ta có câu ca dao là:

Trăm quan mua lấy miệng cười.
Mười quan mua lấy con người răng đen.
 

Lại thời đó có tục lấy vợ chồng rất sớm. Mười hai mười ba tuổi đã lấy vợ lấy chồng. Nhiều cặp, người vợ hơn chồng bốn năm tuổi nên có câu ca dao rằng:

Trời ơi có thấu cho chăng?
Lấy chồng lại phải nhuộm răng cho chồng!
 

Thời thơ ấu của Bà

Đây là Bà nhớ về quãng đời thơ ấu của Bà. Bà chỉ nhớ vào lúc độ tám chín tuổi, bố Bà đi làm quan phủ quan huyện đều đem theo cả gia đình, vợ con. Hồi đó chỉ các con trai mới được đi học, đó là hai ngưòi anh khác mẹ (con bà già) của Bà. Mẹ già Bà còn có hai người con gái một người hơn bà 4 tuổi, một người kém bà đến 8 tuổi. Riêng Bà thì có một cô em ruột kém Bà 3 tuổi. Tất cả lũ con gái, tuổi từ 12 trở xuống đều phải ở nhà. Người anh khác mẹ của Bà (con giai mẹ già) là ông Phan Đình Mai có bỏ thì giờ dậy lũ con gái chữ quốc ngữ, và làm tính, nhưng chỉ dậy học đại khái thôi.

Bà rất nhàn chỉ chơi đủa với các chị em. Nhà có rất nhiều người hầu, vì là nhà quan: nào u già, nào con sen, nào anh bếp, và vài người để anh bếp sai làm phụ. Khi có tiệc nay có giỗ thì gọi lính lệ trong huyện vào làm thêm, nên mẹ Bà và chị em Bà chả phải làm gì. Đến khi bố Bà được thăng chức Án sát, đổi lên Bắc Kạn là miền thượng du, nước rất độc vì nước từ rừng chẩy xuống các sông, các lá rừng trôi xuống mang theo các chất độc ở cây rừng, cùng là muỗi mòng đem bệnh sốt rét reo rắc khắp nơi trên miền thượng du, cho nên bố Bà phải để tất cả gia đình gồm hai bà vợ, cũng là mẹ của năm người con, ở lại. Tất cả đều về làng là quê bố Bà, ở với ông bà nội Bà. Sau này bố Bà đổi về làm Án sát ở một tỉnh là tỉnh Hà Đông thì cả nhà mới lại đi theo bố Bà đến chỗ làm việc. Mẹ già đẻ thêm một con gái kém Bà 8 tuổi và mẹ Bà lại đẻ thêm một em trai và một em gái, rồi lúc Bà về nhà chồng , mẹ Bà mới đẻ thêm một em trai út của Bà

Cuộc hôn nhân của Bà

Lúc Bà 10 tuổi, thì người chị cùng cha khác mẹ của Bà, con mẹ già, đã 14 tuổi. Hai người cùng em gái của Bà mới 7 tuổi, sáng sáng ăn sáng xong lại ra chơi đùa ở sân, nào nhẩy dây, chơi trò duổi bắt nhau. Một hôm đang nhảy dây thì u già đến bảo. “Các cô vào trong nhà không được nhẩy dây nữa”. Ba chi em đều không nghe. U già liền cuộn dây lại không cho chơi nữa. Thấy u già lấy mất dây, cho là bị bắt nạt, cả 3 chị em đều hỏi tại sao, u già nói hôm nay bà có khách, các cô phải ở phòng các cô.

Bà đi vào thì thấy quả thật mẹ già Bà đang ngồi nói chuyện với một bà lạ mặt. Bà nói thật to: “Mẹ ơi, u già không cho chúng con chơi ở sân, bắt con phải vào trong phòng. Mẹ mắng u ấy cho con, con không thèm nghe u ấy đâu”. Bà thấy bà khách lạ đó nhìn Bà rồi cả mẹ già Bà và bà khách đó nói gì với nhau, rồi cười rất vui vẻ. Mẹ Bà bảo u già cứ để cho các cô ấy chơi. Lúc đó Bà mới 10 tuổi.

Sau đó cả mấy mẹ con Bà về làng ở với ông bà nội. Ông nội Bà dậy chữ nho cho lũ cháu, và cả sách thuốc nữa. Mỗi khi cụ đi lên tỉnh mua các vị thuốc về, đều bắt các cháu học sao tẩm thuốc. Ở với ông bà nội mấy năm, mỗi năm cứ tết tháng Năm (tết Đoan Ngọ), tết tháng Tám (tết Trung Thu), tết tháng chạp, Bà đều thấy có người mang các thứ đến biếu. Tháng Năm thì đậu xanh dưa hấu, tháng Tám thì hồng và cốm, tháng Chạp thì các thứ mứt kẹo. Có khi Bà thấy bà khách đến chơi trước đây lại đến chỗ bố Bà làm việc. Có khi lại thấy một cậu con trai bằng tuổi anh trai thứ hai của Bà đi theo với người nhà và người mang các thứ quà đến biếu. Bà vẫn chẳng biết các người đó là ai vì cứ tưởng như mọi khi, vẫn có nhiều người mang các thứ đến biếu bố Bà ở chỗ bố Bà làm quan.

Đến năm Bà 14 tuổi, bà nội và mẹ Bà mới nói với ông bà nội Bà là : “Thôi đừng cho nó học chữ nho và các vị thuốc nữa, để con dạy cháu các việc con gái phải học khi sắp đi lấy chồng”. Bà vẫn chưa hiểu rõ là thế nào. Bà nội Bà bảo là mẹ phải dạy cho biết các điều khi về làm dâu, đối với bố mẹ chồng, đối với anh chị em nhà chồng, phải theo các tập tục nhà chồng.. Bà thấy sợ quá chẳng biết ai là chồng và ai là bố mẹ chồng. Tư nhiên phải xa nhà mình , ông bà bố mẹ, các anh chị em, đến ở nhà lạ, lại phải nhiều bổn phận đối với các người lạ đó.

Rồi năm sau, Bà 15 tuổi thì cưới. Nói là 15 chứ thật ra mới chỉ là 14, vì tính theo ta, mới đẻ ra đã là được một tuổi. Lúc cưới, Bà mới biết bà khách đến lúc u già không cho Bà nhẩy dây là mẹ chồng. Vì u già biết có người đế xem mặt Bà để hỏi cho con, u già sợ người ta thấy nô đùa như thế sẽ cho là không phải. Nhưng khi Bà về làm dâu rất được mẹ chồng chiều. Vì nhà ông ngoại các cháu là nhà làm nghề làm ruộng, nên bận rộn quanh năm. Tuy nhà có rất nhiều ruộng nhiều thóc, nhưng các con dâu đều phải làm các việc từ ngoài đồng đến việc trong nhà. Nhưng mẹ chồng Bà tức là cụ nội các cháu biết rằng Bà là con nhà quan, luôn có người hầu, không phải làm các việc, nên cho Bà không phải làm gì. Bà là con dâu thứ ba, một chị dâu cả đã có con, nên còn ở chung.

Nhưng Bà thấy một người phải làm, một người được chơi, thì Bà không an tâm nên Bà cũng làm các việc với người chị dâu. Mẹ chồng Bà, liền bảo: “Mợ ba không quen làm thì đừng ra sân phơi thóc, phơi rơm, làm các việc vặt trong nhà thôi”. Nhưng khi các việc vặt trong nhà làm song hết thì Bà cũng ra làm các việc với bà chị dâu. Vì thế các chị gái của ông ngoại cháu đã đi lấy chồng rồi, mỗi khi về thăm nhà đều rất yêu mến Bà. Nhưng Bà đâu có biết làm các việc như sàng gạo, sẩy chấu nên cứ nói với các người giúp việc như u già dạy cho Bà làm. Nhưng Bà cũng chỉ ở với mẹ chồng có 5 năm. Lúc cưới thì Bà 15, ông 19. Bà ờ nhà với bố mẹ chồng và người anh thứ hai của ông ngoại cháu, còn ông ngoại cháu, chồng Bà, thì đi học ở Hà Nội cách nhà 120 cây số. Chỉ kỳ nghỉ hè mới về nhà, và Tết thì về nhà 4, 5 hôm. Sau 5 năm ông ngoại cháu thi đỗ thông phán, Bà mới được bố mẹ chồng cho đi theo chồng đến chỗ làm việc.

Bố Bà và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục

Đây là chuyện mẹ Bà kể lại. Bố Bà tuy được ký bổ Tri Phủ (1909) mà mãi 8 năm sau (19016) mới được thực thụ Tri Phủ, bởi vì lúc đó cụ đã bị sở Liêm phóng của chính phủ bảo hộ (người Pháp) biết là cụ có liên

Cụ Phan châu Trinh sáng lập viên ĐKNT

lạc với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Một công chức đã được bí mật phái đến xin làm người hầu hạ cụ trong ngót một năm để dò xét. Cụ đã bị “ghi nhận” là có nhiều “khách nhà nho” đến nói chuyện riêng và cho họ khá nhiều tiền. Cụ bị theo rõi gắt gao đến nỗi cụ đã phải mời hai cụ cố, tức là ông bà nội Bà, đến nhiệm sở (lúc đó là huyện Thụy Anh) để thu xếp việc nhà và để từ biệt, vì bố Bà đã quyết định nếu bị bắt thì cụ sẽ tự sát ngay, chứ không để bị tra tấn, bị làm nhục. Đồng thời cụ cũng dặn dò mẹ Bà rằng; “Đã đến  lúc nguy cấp lắm rồi. Nếu chẳng may tôi bị bắt rồi chết thì bà hãy về ở với song thân làng Thịnh Đại, Hà Nam, và có thể tùy nghi tái giá” vì lúc đó mẹ Bà mới sinh được hai con gái chưa có con trai. Nhưng mẹ Bà đã thưa lại là vốn con nhà nho, đã biết ít nhiều lễ giáo, nếu có sự gì xẩy ra thì cũng xin ở lại hầu hạ hai cụ cố.

Tình trạng kinh hoàng ấy kéo dài đến lúc cụ nhậm chức Tri Phủ Bình Giang (Hải Dương) thì tình cờ cụ gặp cụ Phán Diễm làm việc tại tòa Sứ (tòa Khâm Sứ thuộc người Pháp) tỉnh Hải Dương. Cụ Phán Diễm vố không biết bố Bà, nhưng thấy bố Bà là “quan nhà nho”, trung hậu khoan hòa, mà lại thấy trong tòa Sứ có hồ sơ “Mật” gồm những tài liệu về bố Bà thật sự có liên lạc với nhóm Đông Kinh Nhĩa Thục. Cụ Phán Diễm, vốn có từ tâm, rất lo ngại cho bố Bà, nên đã bí mật bàn tính với bố Bà tìm cách lấy được tập hồ sơ đó cho bố Bà xem rồi thiêu hủy ngay mấy đêm liền. Mẹ Bà thấy rõ vì đã chính tay người đã tưới nước vào cái ống nhổ to lớn cho các tàn giấy xẹp xuống. Từ đó bố Bà mới yên tâm với những hoạt động bí mật trong tinh thần yêu nước.

Những Anh Em họ của Bà

Bố Bà có 3 người con trai và 2 người con gái. Các chú và các cô của Bà có rất nhiều con. Vả lại, anh em trong làng lại ở quây quần với nhau nên chị em Bà với các anh em họ cũng rất thân. Chú Cửu Hai, tức là ông Phan Đình Quế có 5 người con trai, xấp xỉ tuổi bà, đi học tại tỉnh Nam Định. Mấy người này, nhất là ba anh em các cậu Khải, cậu Dinh và cậu Đống, tuy hãy còn ít tuổi, chưa tới 20, nhưng đã có trí lớn, mà đã ra nhập hội kín.

Ông Phan Đình Khải

Một người (Khải) đã bị bắt quả tang trong cặp có giấy tờ tuyên truyền chống chính phủ. Bố Bà thấy cháu bị vào vòng tù tội nên cố sức vận động với các bạn bè quan lại, bày mưu với họ mớm lời cho cậu ấy khai khác đi cho nhẹ tội. Quan Án Sát xét xử Khải mớm lời cho cậu ấy là bạn bè nhờ giữ dùm chứ cậu ấy không biết gì hết. Nhưng cậu ấy không chịu, mà lại nhận chính mình chủ động làm việc này. Quan Án Sát lại nhắc lại là bác anh – tức là bố Bà – đã nuôi cho anh đi học cho nên người mà anh lại đi theo bọn làm loạn. Cậu Khải la lớn tại tòa: “Bác tôi có chí hướng của bác tôi. Tôi có chí hướng của tôi. Tôi không phải là bác tôi!”. Năm ấy Khải mới chỉ 17 tuổi. Sau đó cậu ấy đã bị bắt đem đi đầy tại Côn Đảo. Hai cậu kia lần lượt cũng bị bắt bỏ tù và mang đi đầy. Trong làng mọi người nói là các cậu ấy đi làm cách mạng.

Và mãi mãi về sau, Bà mới biết thêm họđã trở về năm giữ quyền cao chức trọng trên cả nước

_________________________________________________________________________________

(1) Người Pháp, vào những năm đầu của thập niên 1900, để củng cố nền đô hộ, đã áp dụng một sách lược văn hóa có tầm mức ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài. Họ đã quyết định bãi bỏ nền giáo dục và thi cử của triều đình, dựa trên Hán Nôm và văn minh Á đông, mà thay thế bằng một nền giáo dục mới, dựa trên tiếng Pháp, chữ quốc ngữ và văn minh Tây Âu. Quyết định này nhằm mục đích đầu tiên là loại bỏ ảnh hưởng chính trị và văn hóa xã hội của lớp Nho học cựu trào còn nặng tinh thần quốc gia dân tộc, không chịu sự đô hộ của người Pháp mặc dầu đã thất bại liên tiếp. Năm Mậu Ngọ (1918) là khoá thi Hương cuối cùng ở Việt Nam.

(2) Cụ Ngô Thời Nhiệm là danh sĩ, nhà văn đời Hậu Lê và đời Tây Sơn. Ông là  người có công lớn trong việc giúp triều đình Tây Sơn đánh lui  quân Thanh,  Ngô Thì Nhậm xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, Ông thi đỗ giải nguyên năm 1768, rồi tiến sĩ tam giáp năm 1775.Năm 1790 , vua Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm giữ chức Binh Bộ Thượng Thư.  Tuy làm ở bộ Binh, nhưng Thì Nhậm chính là người chủ trì về các chính sách và giao dịch ngoại giao với Trung Hoa. Ông là người đứng đầu một trong những sứ bộ ngoại giao sang Trung Hoa.  Sau khi Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học. Sau khi Gia Long  tiêu diệt nhà Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, và một số viên quan triều Tây Sơn thì bị đánh bằng roi tại Văn Miếu  năm 1803. Ngô Thì Nhậm sau trận đánh đòn, về nhà thì chết, do sự trả thù của Đặng Trần Thường

(3) Cụ Tú Xương hay Trần Tế Xương sinh năm 1870 tại tỉnh Nam Định. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần. Ông là một nhà thơ lớn thế kỷ thứ XX. Nhà thơ Xuân Diệu đã xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau ba đại thi hào dân tộc là Nguyêrn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm.

(4) Sơ lược lý lịch cụ Phan Đìng Hòe:Tri Huyện Kim Bảng (1903), Lập Thạch (1908). Ký bổ Tri Phủ (1909). Tri Huyên Yên Lạc (1910), Sơn Dương (1911), Thụy Anh ( 19012). Thực thụ Tri Phủ (1916). Tri Phủ Bình Giang (1917), Kinh Môn (1918). Án Sát Phú thọ (1920), Bắc Cạn (1923), Bắc Giang (1924), Hà Đông (1925).Tuần Phủ Quảng Yên (1928), Lạng Sơn (1929), Ninh Bình (1030). Hưu trí (1933).

12 responses to “Bà Kể Chuyện Ngày Xưa

  1. Đỗ Hữu Chí

    Cám ơn anh đã bỏ công viết và in lại một bản tự thuật với rất nhiều sử kiện qúy giá.
    Đặc biệt là cách đi thi trước năm 1918 và phương cách nhuộm răng đen của người Việt.
    Những sử gia tương lai sẽ rất cần những loại bài như vầy của anh.
    Xin chúc anh được an mạnh và hăng hái sáng tác.

  2. Ngo duc Quang

    Một bài viết để :

    “ngàn sau nhớ ngàn xưa”

  3. Bài này làm tôi nhớ đến thời xưa quá. Xin anh coi lại có đúng không vì thời đó tôi còn bé quá không nhớ hết được . Tôi nhớ hình như ông nội tôi , một nhà nho lỡ thời , dạy chữ nho trong vùng, có nói là trước khi đậu thi Tú Tài phải qua Nhất trường , Nhị trường phải không? Tôi chỉ nhớ rõ vì đã là tuổi nhi đồng, thì Cậu ruột tôi, đậu Tú Tài Nho khóa chót , chỉ ở nhà và vì thấy mấy ông Tri Huyện trong Huyện tôi không đượcc đạo đức và tài giỏi nên rất bực mình và nỗi lòng đó đã chuyển đến mấy ông anh tôi học chữ Tây , có bằng Đíp Lôm và Bacc , đi theo Thanh Niên Tiền Tuyến và Việt Minh đánh Tây . Các anh ấy đều là những người có tư cách và chí khí, uổng thay đã lỡ theo bên kia thi không còn cách chi thay đổi , đã là những cấp cao bên kia và hầu hết đã mất trong và sau chiến trận ViệtMinh/Tây, Việt Cộng /Quốc Gia Mỹ cả . Thật là vận nước mình bật hạnh làm thiêu đốt biết bao nhân tài. .
    Cám ơn Anh
    Tôn Trần

    • Thưa anh Tôn,
      Anh nói đứng đấy. Ngày xưa, ngưới đi thi Hương phải lọt vào Nhất trường (lần thi thứ nhất), rồi Nhị trường (lần thi thứ hai). Trong lần thi Tam trường (lần thứ ba), người ta mới lấy những người đỗ cao là Cử Nhân (để được cử vào thi Đình tại Huế), những người đỗ thấp là Tú tài (không được vào thi Đình).
      Quan Huyện ngày xưa, mặc dầu theo Nho giáo, đâu phải ai cũng là nhà Nho chí sĩ. Thêm vào đó, tôi biết Triều đình Huế phải dựa vào Phủ Toàn Quyền người Pháp, trả lương các quan Phủ Huyện không nhiều cho nên những vị quan lại này phải lấy tiền của dân, và hối lộ quan trên cho mau tiến chức. Anh đã biết (như ông Lý Quang Diệu, Thủ Tướng Singapore sang thăm ông Phạm Văn Đồng lần đầu tiên đã cảnh báo trước) nạn tham nhũng hối mại quyền thế là một thứ “tế bào Ung thư” trong xã hội. Để nó lan ra thì rất khó chữa chạy.
      Kính anh,
      Đào Viên

  4. Nguyễn Quốc Định

    kính gửi bác Đào Viên,
    cám ơn bàc đã kể lại câu chuyện của gia đình bác với nhiều chi tiết thật là quý giá cho sử liệụ.
    xin cám on bác.
    cháu Định

    • Tôi rất cám ơn anh bạn Định đã bỏ công và thì giờ ra đọc bài này.

      Tôi xin lỗi là tôi không nhớ đã gửi bài viết đến tay người bạn trẻ.
      Chắc hẳn đây lại là một người bạn “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”.

      Nếu đúng là như vậy thì hay lắm. Rất mong bạn Định, mỗi khi có thì giờ, tìm được đôi điều thích thú trong Vườn Đào.

      Đào Viên

  5. Thật hay và quí giá, bài viết rất bổ ích. Cám ơn anh nhiều.

  6. phan đình viện

    sao bác lại có ảnh cụ Hòe của nhà cháu?

    • 1. Ông Phan Đình Viện (hay Trần Thị Bạch Tuyết) có họ hàng thế nào với cụ Phan Đình Hòe? (Đời thứ 5 họ Phan Đình (xã Địch Lễ, Huyện Mỹ Lộc, Tỉnh Nam Định) .
      2 Ông thuộc dòng họ Phan Đình đời thứ 7 hay đời thứ 8? (Các vị đời thứ 6 như PĐ Bính, PĐ Đỗ, PĐ Tạc… đã quy tiên cả rồi)

      ĐV

  7. phan đình viện

    cháu phan đình viện (dịch lễ). đời thứ 8. con ông phan đình lý. cháu nội ông phan đình đào.ông phan đình đào là con cụ phan đình hòe

    • Thế thì tôi đã hiểu rồi. Ông Phan Đình Đào là con cả của cụ Thu Viên Phan Đình Hòe. Năm 1945, cụ Thu Viên Phan Đình Hòe mất, chỉ sau Cách Mạng tháng 8 ít lâu. Ông Phan Đình Đào mất theo bố ngay sau đó. Cụ Phan Đình Hòe có người con gái là cụ Diệu Phúc Phan Thị Nhịnh. Chúng tôi có tấm ảnh cụ Thu Viên PĐ Hoè là từ cụ Phan Thị Nhịnh mà ra. Ông Viện nếu có gia phả dòng họ Phan Đình ở Địch Lể, thì truy ra sẽ thấy liên hệ ra sao.
      ĐV

  8. Cám ơn cụ Phác đã cho đọc một bài viết với nhiều chi tiết có giá trị lớn về văn hóa và sử học! 3 anh em Phan Đình Khải, Phan Đình Dinh, Phan Đình Đống ít ai biết tông tích nếu chỉ biết tên sau này của họ: Lê Đức Thọ (tức Khải), Đinh Đức Thiện (tức Dinh), Mai Chí Thọ (tức Đống)! Theo như bài viết này thì Khải đã tỏ ra là người có chí khí mạnh mẽ từ khi còn rất trẻ! Thật là đáng phục!

Leave a comment