Người Hát Rong qua các Thời Đại


Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu.
Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng 
   ——-Trịnh Công Sơn

Đào Viên

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Thưa người đó chính là nhạc sĩ Trịnh Cộng Sơn. Ông đã tự nhận: “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”

Trịnh Công Sơn được coi như một trong những nhạc sĩ lớn nhất của tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hiện nay chưa có thống kê về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc). Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc).

 Trịnh Công Sơn quê làng Minh Hương, tổng Vinh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông sinh ngày 28 tháng Hai năm 1939 tại Đarlak, mất ngày 1 tháng Tư, 2001 tại thành phố Hồ Chí Minh, an nghỉ tại nghĩa trang Gò Dưa, chùa Quảng Bình, tỉnh Bình Dương, hưởng thọ 62 tuổi. Hồ sơ bệnh lý của ông cho thấy ông đã bị viêm gan, tiểu đường, hư thận và phổi nhiễm trùng. Khi còn sinh tiền, ông Sơn hút thuốc lá rất nhiều và hay dùng rượu mạnh (whisky, cognac). Để tìm yên-sĩ-phi-lý-thuần? Để tạm quên đi những nỗi buồn không tên?

Đám tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Đám tang nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Năm 1943, từ Đarlak ông theo gia đình về Huế, học trường Tiểu học Nam Giao, vào trường Pellerin, theo học trường Thiên Hựu (Providence). Vào Sài Gòn ông theo học trường Pháp Lycée Jean Jacques Rousseau, môn Triết và tốt nghiệp Tú Tài tại đây.

Năm 1962, để trốn lính, ông vào học trường Sư Phạm Quy Nhơn, khóa I (1962-1964). Sau khi tốt nghiệp, ông lên dậy học và làm Hiệu trưởng một trường Tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Sau năm 1965, ông bỏ hẳn nghề dậy học, về sống và sáng tác tại Sài Gòn. Những năm này ông không ở một chỗ nào nhất định, khi ở Huế, khi ở Đà Lạt, lúc ở Sài gòn. Sau 1975, ông về sống ở Huế, hoạt động sáng tác tại Hội Văn Nghê một thời gia khá dài, rồi ông trở lại TP HCM.

Trịnh Công Sơn từng là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt nam,, nguyên Ủy Viên ban Chấp hành Hội âm Nhạc TP, nhiệm kỳ I, II và III, nguyên Ủy viên BCH Hội Liên Hiệp Văn Học và Nghệ Thuật TP HCM, Phó Tổng biên tập Tập san Thế Giới Âm Nhạc (Hội nhạc Sĩ Việt Nam)

Ngoài âm nhạc, tác phẩm của ông còn gồm nhiều thể loại thuộc các lãnh vực khác nhau như: Thơ, Văn xuôi, Truyện ngắn. Tản văn, Hồi ức, Hội họa.

***

Ca khúc đầu tiên ông sáng tác năm 1958 là “Ướt Mi”. Sau đó, ông cho ra đời nhiều tuyển tập và ca khúc nổi tiếng: “Khúc ca Da Vàng”, “Khói trời mênh mông”, “Kinh Việt Nam”, “Tuổi đá buồn”, “Huyền thoại Mẹ”, “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Một cõi đi về”…

Ông đoạt giải Đĩa Vàng ở Nhật Bản năm 1972 với bài “Ngủ đi con” (trong Ca khúc Da Vàng), phát hành trên hai triệu bản. Nhiều ca sĩ Nhật(1) đã hát ca khúc Trịnh Công Sơn bằng tiếng Việt hoặc qua tiếng Nhật.

Dưới đây là ca khúc :”Ngủ Đi Con”, Khánh Ly hát

Trịnh Công Sơn có tên trong từ điển bách khoa Pháp “Encyclopédie de tous les pays du monde”.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn rất đa dạng, xoay quanh những chủ đề về Tình Yêu, về Chiến tranh, về Thân Phận con người.

Những bản tình ca chiếm đa số trong danh mục nhạc phẩm. Khả năng viết nhạc tình của Trịnh Công Sơn tưởng chừng không biết mai một theo năm tháng, theo thời đại: từ 1958 với Ướt mi đã nổi tiếng cho đến thập niên 1990 vẫn có những bản tình ca thấm thía: Như một lời chia tay, Xin trả nợ người

Nhạc tình của ông đa số là nhạc buồn, thường nói lên tâm trạng buồn chán, cô đơn như trong Sương đêm, Ướt mi, những khúc tình ngầm mang sầu ly biệt như Diễm xưa, Biển nhớ, hay tiếc nuối một cái gì đã qua: Tình xa, Tình sầu, Tình nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ… Ngoài ra còn những bài triết lý tình, mang một bóng dáng ngậm ngùi, lặng lẽ của người tình từng trải: Cỏ xót xa đưa, Gọi tên bốn mùa, Mưa hồng…

Nhạc tình của Trịnh Công Sơn rất phổ biến tại Việt Nam, nhạc sĩ Thanh Tùng từng gọi Trịnh Công Sơn là “người Việt viết tình ca hay nhất thế kỷ“.

Ông được rất nhiều người hâm mộ, nhất là nữ giới.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly

Người nữ được nhiều người nói đến là ca sĩ Khánh Ly . Khánh ly có phải là người tình cuả Trịnh Công Sơn không? Ông nói: “Một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau.” “ Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn, vừa đau thương trong chiến tranh, Hay nhất.”

Hay là Hồng Nhung? Ông nói: “Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai?” , “Hồng nhung làm mới lại những ca khác của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi rất thích vì đó là cách biuểu hiện mới, phù hợp với cái tiết tấu thời hiện đại, một sự lãng mạn mới”.

Trong khi ông phụ trách biên tập tạp chí Sóng Nhạc, vào những cuối năm 90 ông viết: “ Hàng trăm lá thư tiếp tục bay về nơi chốn tôi ở..những lá thư xa lạ từ miềm Bắc gữi vào. Không phải thư của bạn, cũng không phải thư người yêu. người yêu thì dĩ nhiên không có rồi. Đã từ lâu..cuộc chơi chỉ có mình với mình… Đa số những lá thư đều tập trung vào một yêu cầu: xin ảnh và chữ ký”.

Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung

Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung

Ngày 1 tháng Tư, 2001, khi ông vĩnh viễn nằm xuống, ông vẫn còn độc thân, không có con riêng. Trong đám tang của ông, nhiều phụ nữ đã đến xin được để tang như là người tri kỷ của người nhạc sĩ.

Bài tình ca đầu tiên Trịnh Công Sơn cho ra đời là “Ướt Mi”. Người ta không biết chắc ông đã viết bao nhiêu ca khúc, mà chỉ ước luợng phải trên 600 bài. Dường như đã có người hỏi Trịnh Công Sơn bài hát cuối cùng ông sẽ viết sẽ như thế nào. Dưới đây là một bài viết ngắn của ông đăng trên báo Lao Động, Xuân Tân Mùi, 1991.

Bài hát đầu tiên, bài hát cuối cùng

Ngạn ngữ Pháp có nói rằng bất cứ cái gì bắt đầu tốt thì sẽ kết thúc tốt. Tôi không hiểutrong những địa hạt như kinh tế, xã hội, khoa học như thế nào nhưng trên lĩnh vực văn nghệ đôi khi hoặc nhiều khi nó không hoàn toàn như thế… Có không ít những trườnghợp người nghệ sĩ đã khởi đầu rất hay và kết thúc rất tệ.
 
 Tôi bước chân vào đất đai của nghệ thuật tương đối sớm. Từ tuổi mười ba mười bốn tôi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường. Sau một vài biến cố lớn của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng. Và từ đó tôi rơi vào một cơn mộng mị triền miên.
Có một vài câu hỏi, với tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?
 Câu hỏi bụôc tôi phải trở về những năm tháng xa xôi. Nhưng khi về đến nơi ấy, trong thời điểm ấy, thì vô tình tôi lạc mình về một quá khứ khác xa xăm hơn nữa. Và rồi tự hỏi: Cái đầu tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh ra cái đầu tiên kia?
 Bài hát “Ướt mi” được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959, Thanh Thúy hát quanh những phòng trà và nổi tiếng. Thời ấy hình như Nguyễn Ánh 9 đã có lúc đệm đàn piano cho Thanh Thúy hát. Thanh Thúy trở thành giọng hát liêu trai. Anh Nguyễn Văn Trung, giáo sư triết thời ấy ở Văn khoa cũng đã từng có bài viết về một tiếng hát liêu trai Thanh Thúy.
 Thế thì, cố nhớ lại và tôi đã nhớ một lần nào đó, trong phòng trà, năm 1958, tôi thấy Thanh Thúy hát “Giọt mưa thu” và khóc. Bà mẹ Thanh Thúy dạo ấy lao phổi hằng đêm nằm hát “Giọt mưa thu” chờ Thúy về. Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng mảnh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ…
 
Thanh Thúy hát “Giọt Mưa Thu”
 
 
 
 
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi ecũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.
 Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài “Ướt mi” nhưng riêng bài “Ướt mi” thì tồn tại như số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm.
 Dù sao thì trong những năm 59-60 trong thành phố này nhiều người đã thích và hát.
Người ta có nhiều lý do để thích một bài hát đầu tiên của một tác gỉa để rồi không quên thắc mắc: Thế thì bài hát cuối cùng của anh là bài gì? Sẽ như thế nào? v.v…
 Sự kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.
Trên đường băng chạy có cái đích để mình đến. Trong nghệ thuật thì khác. Cái cuối cùng có thể là cái vô hạn và biết đâu, nó đã từng có trước thời hạn mà mình không ngờ.
Sự bất tử không có trước có sau, mà thường nó nằm ở điểm mà mọi cơ duyên cùng hội tụ.
Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi vì tôi nghĩ rằng thời điểm cuối cùng là điều mà mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do nào đó tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý nghĩ cuối cùng của mình trong một ca khúc thì tôi tin rằng vào lúc đó tôi sẽ cố gắng cởi trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.
 Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.
 Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi.
 Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không đượccũng chẳng nên lấy nó làm điều.
 Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnhphúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng?
12-1990

Dưới đây là ca khúc :”Ướt Mi”, do cô Khánh Ly hát

Tên tuổi của Trịnh Công Sơn còn gắn liền với một loại nhạc mang tính chất chống lại chiến tranh, ca ngợi hòa bình mà người ta thường gọi là nhạc phản chiến. Ông bắt đầu sáng tác dạng nhạc này vào khoảng năm 1965- 1966. Năm 1966, ông cho ra đời tập Ca khúc Trịnh Công Sơn, trong đó có manh nha một xu hướng chính trị yếm thế. Đến năm 1967, nhạc Trịnh Công Sơn lên đến đỉnh cao của sự phản chiến bằng tập Ca khúc da vàng. Năm sau, ông cho ra tiếp tập Kinh Việt Nam. Từ năm 1970 tới 1972 ông tự ấn hành được hai tập nhạc phản chiến là Ta phải thấy mặt trờiPhụ khúc da vàng. Trong các băng nhạc “Hát cho Quê hương Việt Nam” của Khánh Ly, những ca khúc phản chiến được bố trí khéo léo đan xen với các ca khúc trữ tình. Những tập ca khúc vừa kể đều được phát hành hợp pháp tại miền Nam trước 1975. Chính vì thế các ca khúc phản chiến của ông được phổ biến khá rộng rãi, có ảnh hưởng lớn đến công chúng nhất là giới trí thức, học sinh – sinh viên miền Nam.

Nhạc Trịnh Công Sơn không những được phổ biến trong công chúng miền Nam, mà tiếng nhạc còn vang xa đến miền Bắc, trong những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Một nhạc sĩ miền Bắc kể lại một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ: “Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe Trịnh Công Sơn… Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?) hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi-ta duy nhất có trong nhà “.

Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn được cho là có vai trò không nhỏ trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam. Cũng vì loại nhạc này mà ông đã bị tẩy chay nhiều lần từ cả hai phe đối địch.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam – tiền thân của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời miền Nam Việt Nam – cũng không tán thành cách nhìn phản chiến của ông về chiến tranh, vốn mang tính “chủ hòa, ủy mị”, vì quan điểm của họ cho rằng đây là cuộc “chiến tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước“. Ông đã bị coi ông là “thiếu lập trường chính trị“, có những người cực đoan đòi sau khi tiến về Sài Gòn sẽ “xử tử” ông.

Cho đến nay, sau hơn 30 năm hòa bình, rất nhiều bài hát “Da vàng” của ông chưa được phép lưu hành chính thức tại Việt Nam hiện nay dù đã từng rất phổ biến (và được Khánh Ly phát hành băng nhạc) tại miền Nam trong thời chiến tranh Việt Nam (như bài Gia tài của mẹ, Cho một người vừa nằm xuống , Đi tìm quê hương, Chính chúng ta phải nói hòa bình, Chưa mất niềm tin, Chờ nhìn quê hương sáng chói, Hát trên những xác người, Ta đi dựng cờ, Ta quyết phải sống)

Dưới đây là hai ca khúc tiêu biểu trong thời chiến tranh Việt Nam của ông.

Trịnh Công Sơn từng nói từ khi còn trẻ ông đã luôn ám ảnh bởi cái chết nên âm nhạc của ông mang trong đó một sự mất mát của những số phận con người. Ông cũng bị ảnh hưởng bởi Phật giáo của phương Đông và chủ nghĩa siêu thực của phương Tây, nhạc Trịnh Công Sơn thấm đượm màu sắc hiện sinh của các tác giả văn học phương Tây Tiêu biểu là các ca khúc Cát bụi, Đêm thấy ta là thác đổ, Chiếc lá thu phai, Một cõi đi về, Phôi pha,…. Trong đó nhiều bài mang hơi hướng Thiền như Một cõi đi về, Giọt nước cành sen.

Trong một bài viết ngắn năm 1996 gửi cho báo Thể Thao Ngày Nay, dường như ông đã linh cảm thấy cái chết tương lai của ông đã gần kề, ông viết;

Tôi đã mơ thấy chuyến đi của mình …

Càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai. Chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết thì chẳng bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước. Một buổi sáng cách đây bốn năm, lúc tôi đang ngồi uống rượu với bạn, mẹ tôi bảo: “Mạ đi chơi chút nghe”.  Thế rồi một giờ sau tôi được điện thoại báo tin mẹ tôi đã mất tại nhà người bạn.
Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng đã từ biệt chúng tôi như thế. Không kịp nói một lời, không kịp đưa tay vẫy chào bạn bè, vẫy chào cuộc sống. Thế kỷ 21 thế mà cũng khó đến được dù chỉ còn mấy năm.
Càng yêu ta càng thấy: có tình yêu thì khó mà mất tình thì quá dễ. Hôm qua mới yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi.  Mất sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng. Cứ tự an ủi mình khi nghĩ rằng mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu cái thời gian mình được yêu thì một người khác cũng đang đau khổ vô cùng. Nghĩ thế thì thấy cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ tha thứ cho nhau. Sống mà giữ mãi trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề.
Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người hình như cũng vậy mà thôi. Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng mình đã mất. Khó mà quên nhanh, khó mà xóa đi trong lòng một nỗi ngậm ngùi.
Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi. Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung.
Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người. Cuối cùng thì tình yêu không giữ được người mình yêu…
Trịnh Công Sơn (1996)
 

Trong biến cố tháng 4, 1975 , Ông Trịnh Công Sơn đã lấy quyết định ở lại Việt Nam không đi di tản, trong khi một phần gia đình ông và nhiều bạn bè ông đang tìm đường ra khỏi nước. Sau khi nghe và tin theo lời hiệu triệu của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam của các ông Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, ông Trịnh Công Sơn đã lên đài phát thanh Sài gòn hô hào mọi người không nên đi di tản, mà nên ở lại vì theo ông : “Chính phủ Cách mạng Lâm Thời Cộng Hòa miền Nam Việt Nam sẽ đến với thái độ ôn hòa tốt đẹp. Hôm nay là ngày mơ ước của tất cả chúng ta… Ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn đất nước… . Những điều mơ ước của các bạn bấy lâu là độc lập, tự do, và thống nhất thì hôm nay chúng ta đã đạt được…“. Ông đã hát bài “Nối vòng tay lớn”, bài hát kêu gọi và nói về ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam Bắc mà ông viết từ năm 1968.

Quyết định này đã gây ra rất nhiều tranh cãi và đem lại nhiều hệ lụy không tốt đến cho ông sau này.

Ngay sau chính biến tháng Tư, 1975, với chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời miền Nam Việt Nam, người dân trong nước chưa cảm thấy bất an. Khoảng một năm sau, dưới sự chỉ đạo của đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản), chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời miền Nam Việt Nam được giải thể, nước Việt Nam chính thức thống nhất hai miền Nam Bắc lấy tên nước là Cộng Hỏa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, với Chủ tịch và Phó chủ tịch là các ông Trường Chinh và Phạm Hùng.

Chính quyền mới đã cho áp dụng một loạt những chính sách thất nhân tâm gây đau khổ, chết chóc cho hàng triệu người dân miền Nam: Cưỡng bách đi vùng Kinh Tế Mới, Đổi tiền, Đánh Tư Sản Mại Bản, Đưa quân, cán, chính của chế độ cũ, được gọi là Ngụy Quân Ngụy Quyền vào các Trại Cải Tạo, thực chất là những trại tù trong núi rừng, con cái Ngụy (người miền Nam) không được đi học. Thế là cả trăm ngàn người miền Nam đã phải liều mạng vượt biên, qua đường biển, ra nước ngoài.

Số người vượt biển vượt biên tỵ nạn cộng sản tính đến cuối năm 1985 lên tới 1.386.715 người. Sinh sống tại nước ngoài, nhất là tại Hoa Kỳ, Pháp, Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi, người Việt tỵ nạn Cộng Sản, cộng đồng người Việt đã có tinh thần chống Cộng quyết liệt. Ông Trịnh Công Sơn bị coi là môt Việt cộng, hay ít ra là người thân Cộng.

Thực tế cho thấy, ông vẫn được đưa đi “lao động sản xuất trên những cánh đồng đầy bom đạn chưa tháo gỡ”. Năm 1993 ông viết lại những kinh qua của ông 18 năm trước trong bài báo Nhớ Lại đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 30-4-1993:

Ngoái nhìn lại, mười tám năm, hun hút sâu như một lối đi biền biệt, một con đường xa ngái, tôi bần thần nhận ra mình là một kẻ khác. Một kẻ khác mà vẫn là mình, không xa lạ, không oán hờn, không hề có một chút trách móc tự thân. Mà lạ thay, giờ phút này tôi lại hân hoan cười đùa về một thứ số phận gần như muốn đùa cợt tôi trên những dặm đường tưởng như không có thật. Tôi đi trồng và gặt lúa. Tôi đi trồng khoai, sắn, ở Cồn Tiên, trên bãi đất chằng chịt mìn có thể nổ bất cứ lúc nào ở cửa ngõ Trường Sơn. Tôi đi chợ nấu ăn. Tôi chở bột mì rải trắng cả một con đường như ngày xưa Mỵ Châu làm dấu cho Trọng Thủy. Tôi xếp hàng mua từng điếu thuốc hạng tồi. Tôi lãnh hàng tháng một lóng tay thịt mỡ không đủ cho một con mèo ăn. Và cứ thế nhiều năm, mù mịt. Nhưng có hề gì đâu, vì trên tất cả những vụn vặt, nhiễu nhương đó là Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Là tình yêu chan chứa, là những mặn nồng mà cả một cuộc đời ngày trước chưa bao giờ được đời trao tặng một cách rộn rã, đậm đà và lộng lẫy đến như vậy.
Khánh Ly về thăm mộ TCS (1014)

Khánh Ly về thăm mộ TCS (2014)

Trở về Huế, ông không được đón tiếp như một nhạc sĩ thành danh, trái lại bị nhiều phần tử hô hào đả đảo ông, tiếp theo là cuộc tọa đàm luận tội “Trịnh Công Sơn có công hay có tội” tại Hội Văn nghệ Thừa Thiên – Huế.

Tuy nhiên người Việt hải ngoai, những người tỵ nạn Cộng sản, khi ông xuất ngoai, vẫn coi ông như là một người đại diện cho chính quyền cộng sản, phải chống đối.

Năm 1989, Trịnh Công Sơn sang Pháp, theo lời mời của Nhà Văn Hóa Việt Nam tại Paris và cũng là để trình diễn những bài hát của ông ít được phổ biến tại Pháp. Ông đã bị người tỵ nạn Cộng Sản tại Pháp tẩy chay, đến phá hay hành hung. Ban tổ chức cho ông sang Pháp đã phải tìm cách bảo vệ sự an toàn cho ông.

Sau khi trở về nước, đưọc phỏng vấn, ông cho biết: “tôi bị buộc phải đến đó (Nhà Việt Nam) trước 7 tiếng đồng hồ vì vấn đề an ninh. Lúc đến tôi đã thấy đứng trước Nhà Việt Nam là những người bảo vệ cho tôi, cùng cảnh sát Pháp vũ trang cẩn thận đứng dọc theo nhà mặt tiền của Nhà Việt Nam”.

Ông ở lại Paris thêm ít lâu để tham quan thành phố nổi tiếng này. Mặc dầu ông được mọi người khuyên là ông không nên đến Quận 13 là nơi tập trung rất người Việt tỵ nạn, chống Cộng, hoặc có đến thì phải đi xe hơi, bởi vì rất có thể ông sẽ bị tẩy chay, hoặc hành hung. Ông nhạc sĩ triết gia vẫn thản nhiên đến Quận 13. Vào một quán phở, ông rất ngạc nhiên thấy chủ quán mở nhạc Trịnh cho mọi thực khách nghe.

Phải chăng nhạc của Trịnh Công Sơn đã vượt trên những oán thù thời đại?

Trịnh Công Sơn quả là một nhạc sĩ lớn. Nhạc của ông vượt trên thời gian qua nhiều thế hệ: già trẻ; vượt trên không gian ranh giới Nam Bắc, vượt trên ý thức hệ ranh giới Quốc Cộng, vượt trên tình tự yêu ghét, thù nghịch mà ông coi chỉ là những vụn vặt, nhiễu nhương, chỉ có tình yêu, yêu đồng loại, yêu tổ quốc mới đáng kể. Tất cả những cái khác chỉ là Cát Bụi.

Dưới đây là ca khúc :”Cát Bụi”, do cô Khánh Ly hát

Ông kể lại:

Sự ra đời của ca khúc “Cát bụi”

Tạp Chí Thế giới Âm Nhạc số 01-1998
 
Vào một buổi chiều ngày tháng không còn nhớ, tôi một mình đến rạp Casino xem phim “Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm” tập 6 . Đây là bộ phim nhiều tập, đã xem tập này thì không thể không chờ xem tập khác. Nói chung là tập nào cũng hấp dẫn. Trong 6 tập có đoạn hiệp sĩ mù xuất kiếm giải cứu cho một nàng Kiều xinh đẹp. Cứ mỗi tuyệt chiêu xuất ra là nghe có một tiếng nói bình giả ca ngợi. Đường kiếm như có thêm sức mạnh mỗi lúc một uyển chuyển huy hoàng hơn. Sau khi cứu được nàng Kiều, hiệp sĩ mù quay về phía tiếng nói vái tay chào hỏi. Hoá ra bên vệ đường dưới gốc cây to có một người mù khác đang ngồi xếp bàn, trên hai chân có cây đàn bọc trong bao vải gác ngang. Người nghệ sĩ mù có nhã ý chơi một bản đàn tặng hiệp sĩ mù. Hai người bèn kéo nhau vào một khu rừng gần đấy. Hình như rừng vào thu nên các cành đều trơ lá, chỉ thấy một đám lá vàng đỏ trải dài trên mặt đất. Hai người ngồi tựa vào hai gốc cây đối diện nhau. Tiếng đàn cất lên như một lời than thở ngậm ngùi về đất trời, về kiếp người. Tiếng đàn nửa chừng bỗng đứt giây. Người nghệ sĩ mù nói : có kẻ bất thiện dang nghe lén. Quả đúng như vậy, có một tên gian đang rình rập hiệp sĩ mù. Thế là hai người lặng lẽ chia tay.
Hết phim, tôi tản bộ ngang trên đường phố. Không hiểu sao cái đoạn phim ngắn ngủi ấy khiến tôi buồn buồn. Chiều tôi về nhà, sau khi ăn, tôi ngồi đọc lại cuốn “ Zorba le Grec(2)”. Đến đoạn Zorba than thở: “Chim đa đa ơi thôi đừng hót nữa, tiếng hót mày làm tan nát tim ta”, tôi bỗng gập sách lại và không đọc nữa.
 
Có một cái gì đó thật trùng hợp trong cùng một buổi chiều. Một nỗi buồn hay một điều gì đó gần với sự rời xa ly biệt đang cựa mình thức dậy trong tôi.Tôi lại ra đường tìm một góc quán quen thuộc ngồi. Trên đường trở về nhà, trong đầu bỗng vang lên một tiếng hát. Tôi lập đi lập lại nhiều lần trong đầu, hát thành tiếng khe khẽ. Đến khi về nhà ghi lại thì bài hát đã gần như hoàn chỉnh. Sáng hôm sau mang hát cho một số bạn bè nghe, hầu như ai cũng thích.
Đó là câu chuyện sự ra đời của bài “Cát bụi”.
 
Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu. Bây giờ thì người hiệp sĩ mù kia đã chết rồi. Khoảng hai năm nay. Người viết Zorba(2) đã qua đời dĩ nhiên con chim đa đa kia cũng đã chết. Và nếu Zorba là một con người có thật được Nikos Kazantzakits tỉểu thuyết hoá thì nay ông cũng mất rồi.
“Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi…”
Thời gian đã nghiền nát tất cả thành cát bụi hết rồi.
(Trịnh Công Sơn)

Trịnh Công Sơn là người hát rong thế kỷ. Nhiều người đã viết về ông. Có lẽ người viết hay nhất về Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ Văn Cao, cũng là một đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Chúng ta hãy xem:

Trịnh Công Sơn – Người Thơ Ca

Trịnh Công Sơn-8 VănCTôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền.
Mãi hơn một năm sau ngày 30 tháng 4, chúng tôi mới thật sự mặt nhìn mặt tay cầm tay lần đầu, nhưng tôi có cảm giác như chúng tôi đã là bạn của nhau tự bao giờ, mặc dù giữa tôi và Sơn còn cả một thế hệ đệm. Nói cách nào đó, tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa. Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh Công Sơn… Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?) hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi-ta duy nhất có trong nhà .
Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả bên ngoài biên giới nữa. Và nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc sĩ thời kỳ sau 1975.
Có lẽ cũng không cần nghe lại nữa, dù bây giờ và sau này Sơn có in thêm, một lần là đủ, từ cái đêm chiến tranh ấy, tôi biết mình đã gặp một tâm-hồn-chị-em xẻ chia “Một cõi đi về”. Và tôi viết lời bạt này cho tập nhạc Sơn như giữ một lời hẹn thầm chưa ngỏ, lời hẹn của một tri âm với tri âm
Văn Cao

Năm xưa có hai người bạn tri âm, một già một trẻ. Đến chỗ hẹn, không thấy người bạn tri âm trẻ đâu, mới biết người tri âm đã qua đời. Người tri âm già, tên là Bá Nha(3), đã đập nát cây đàn, vì nghĩ rằng không còn Chung Tử Kỳ(3) thì đàn làm chi nữa.

Ngày nay, người tri âm Văn cao đã qua đời trước (10-07-1995) để lại người tri âm Trịnh Công Sơn tiếp tục “ hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”. Hai năm sau, 2001, Ông Trịnh Công Sơn đã hát:

Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp không nguôi

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày
Đường Trịnh Công Sơn, Huế

Đường Trịnh Công Sơn, Huế

Tỉnh Thừa Thiên – Huế đã vinh danh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua việc đặt tên ông cho con đường dài 600 mét, rộng 11 mét lát nhựa mới mở ven sông Hương thuộc phường Phú Cát, thành phố Huế.

_____________________________________________________

(1) Người ca sĩ Nhật Bản hát nhạc Trịnh là cô Michiko Yoshii. Năm 1989 trong buổi trình diễn ca khúc của Trịnh Công Sơn tai Nhà Việt Nam (Maison du Vietnam) ở Paris, cô Michiko Yoshii – theo Trịnh Công Sơn kể lại –“ đều có đóng góp giọng hát. Điều độc đáo là cô thường hát những bài hát của tôi, trước tiên bằng tiếng Việt, sau đó mới hát thêm bằng tiếng Nhật. Thí dụ: những bài Diễm Xưa, Em còn nhớ Hay Em Đã Quên”
 
 
 
(2) Zorba le Grec là tên một cuốn tiểu thuyết, mà tác giả là ông Nikos Kazantzakis, người Hy Lạp, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1946. Cuốn truyện nói về một chàng thanh niên trí thức Hy Lạp, quá nhàm chán với đời sống trí thức sách vở của mình, bèn đi tìm một cách sống mới với sự giúp đỡ của một người Hy lạp khác, có hành tung bí ẩn, tên là Alexis Zorba. Năm 1964 nhà đạo diễn Michael Cacoyannis, người Hy Lạp, theo đó đã làm một cuốn phim rất thành công, là phim Zorba, do tài tử Mỹ Anthony Quinn thủ vai chính (Zorba).
 
(3) Bá Nha, người đời nhà Tấn, làm quan Thượng Đại Phu . Một hôm đi sứ nước Sở trở về (1), đến sông Hán Dương, nhằm đêm Trung Thu trăng thanh gió mát, ông bảo quân dừng thuyền lại để uống rượu thưởng trăng. Thừa hứng, Bá Nha đem đàn ra gảy .
Nhưng bản đàn chưa dứt, dây đàn bỗng đứt. Bá Nha lấy làm kinh ngạc, nghĩ thầm:
– Chỗ này núi cao, non thẳm, sông dài, lẽ đâu có người biết nghe đàn làm cho dây đàn vội đứt. Hẳn đây là quân trộm cướp chăng?
Đoạn truyền quân lên bờ tìm bắt. Bỗng có tiếng một chàng trẻ tuổi vọng xuống:
– Xin đại nhân chớ nghi, tôi là đứa trẻ đốn củi mộc mạc, thấy khúc đàn hay nên dừng chân nghe thử.
Bá Nha mỉm cười, bảo:
– Có lẽ đâu một tên tiều phu mà lại biết nghe đàn!
Chàng tiều phu đáp:
– Xin lỗi đại nhân! Đại nhân nói như vậy chẳng là lầm lắm. Thánh nhân xưa có nói: Hễ trong nhà có quân tử thì ngoài cửa có quân tử đến. Nếu đại nhân khi chỗ núi non rừng bụi không có người biết nghe dàn thì ở nơi sông vắng đêm khuya này chẳng lẽ có khách biết đàn.
Nghe có chiều hữu lý, nhưng Bá Nha lại hỏi:
– Ngươi bảo nghe được đàn, vậy ta đàn bài gì đây ?
– Dạ, đại nhân đàn bài Đức Khổng Tử than tiếc thầy Nhan Hồị Bài ấy như vầy:
Khả tích Nhan Hồi mạng tảo vương,
Giao nhân tư tưởng mấn như sương.
Chỉ nhơn lậu hạng đơn biều lạc,
Lưu đắc hiền danh vạn cổ dương.
Bá Nha cho là hay, mời khách xuống thuyền đàm đạọ Nhưng nhìn thấy khách là một chàng trai trẻ tuổi, quần bô áo vải thì có vẻ xem thường. Bá Nha không nói gì, ôm đàn sửa dây gảy một bản hướng về ý cao siêụ Bản đàn vừa dứt, chàng tiều phu cười nói:
– Hay! Hay! Ý đại nhân vọi vọi ở non cao (Nga nga hề chỉ tại sơn).
Bá Nha lại gảy một bản đàn khác hướng về tình cảm mênh mang, khoáng đãng. Chàng tiều phu cười nói:
– Hay! Hay! Ý đại nhân cuồn cuộn nơi nước chảy (Dương dương hề chí tại lưu thủy).
Bá Nha lấy làm khâm phục, đứng dậy xốc áo xin lỗi và hỏi danh tánh. Chàng tiều phu xưng là họ Chung tên Tử Kỳ.
Cả hai trò chuyện, lấy làm tương đắc. Bá Nha lại mời Tử Kỳ cùng theo mình về triều để hưởng cuộc sống giàu sang. Tử Kỳ thở dài, bảo: Vì còn cha mẹ già, phận làm con phải ở bên quạt nồng ấp lạnh, thần tỉnh mộ quang phụng dưỡng.
Vì việc quan cần cấp, Bá Nha phải sớm về triềụ Lại ước hẹn với Tử Kỳ là sang năm ngày này, tháng này, Bá Nha sẽ đem thuyền đến đón cả gia quyến của Tử Kỳ về triều, vậy chàng hãy chờ đợi tại đây .
Đoạn hai người từ giã nhau .
Rồi đến mùa thu năm sau, Bá Nha đem thuyền đến đón tại vàm sông Hán Dương cạnh núi Mã An. Bá Nha chờ đợi mãi nhưng không thấy Tử Kỳ đến. Buồn bã, Bá Nha lại ôm đàn gảỵ Tiếng đàn hôm nay sao lại ai oán vô cùng. Lòng Bá Nha nghi hoặc một điềm bất thường xảy đến.
Sáng lại, Bá Nha lên bờ, lần bước thăm hỏi nhà Tử Kỳ. Đến nơi mới hay Tử Kỳ vừa chết trong một cơn bạo bịnh. Chung ông lại cho biết rằng: Trước khi chết, Tử Kỳ lại trối phải chôn chàng bên mé sông Hán Dương, cạnh núi Mã An để chàng giữ lời hẹn với Bá Nha năm xưa là đến đó đón người .
Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, rồi lấy đàn gảy một bài ai điếu và khóc lóc thảm thiết. Đàn xong Bá Nha bèn đập đàn vào đá tan nát, thề trọn đời không đàn nữa vì đã hết bạn tri âm..
________________________________________________
                                                                                               Tháng Sáu, 2014

6 responses to “Người Hát Rong qua các Thời Đại

  1. Rất phục ĐV đã viết về Trinh Công Sơn, tìm ở đâu ra mà có được nhung bài cho những người thích nhạc Trinh tuy thích nghe âm nhạc nhưng chưa thấm nhuần tư duy của người nghệ sĩ tài hoa này . Nhạc của Pham Duy rất hay nhưng dễ hiểu hơn.
    Đọc phần dưới về chuyện Bá Nha-Tử Kỳ tôi nhớ dến câu trong truyện Thúy Kiều

    Rằng: “nghe nổi tiếng cầm-đài
    Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ”

    tỏ lòng hâm mộ của Kim Trọng khi nghe Kiều gẩy đàn và phần dẫn giải ở duoi cũng nói rằng sau khi Tử Kỳ chết Bá Nha dứt dây đập đàn đi bảo rằng “Trong thiên hạ không ai nghe được đàn ta nữa “

  2. Lần đầu tiên tôi nghe được lời tuyên bố của TC Sơn trên đài phát thanh để ăn mừng vc cướp nước…. rỏ ràng hắn là một vc nằm vùng loại tối thượng thừa. Một đại đệ tử của Văn Cao, tác giả quốc ca vc, cài đặt tại miền Nam, mục đích hoạt động văn nghệ để thao túng quần chúng.

    Tôi đâm ra nghi ngờ, những bài hát của TCS, không phải do cá nhân y sáng tác, do một tập thể nào đó đứng đàn sau, mục đích đưa anh lên thần tượng cho một chiến dịch sau này.

    . vc thường quy tụ nhiều chuyên viên một ngành nghề nào đó, làm việc tập thể để promote cá nhân cho kế hoạch tương lai.Hình thức củng giống như các sách báo và vận dụng thông tin để thần thánh hóa HCM vậy.

    Không biết làm cách nào để chứng minh huyền thoại TCS là do vc gầy dựng….. không thật sự như mọi người nghỉ.

  3. Lê Văn Ninh

    Tôi rất xúc động . Vừa đọc vừa nghe Khánh Ly hát …mà nước mắt dàn dụa lúc nào không hay.

  4. Nguyễn Hiền

    TCS đã sống suốt một đời cho mình, cho nghệ thuật. Người nghệ sĩ nào cũng có những phút “bốc đồng”. Rất tiếc là phút bốc đồng của TCS ngày 30/04/1975 đã để lại một vết nhơ khó phai trong cuộc đời của anh. Những ai đã tiếp xúc với TCS vài lần đều biết tính anh, không hại ai, thật thà mà sâu sắc. TCS trong phim “Đất Khổ” nói thay cho anh rất nhiều.

  5. Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ chân chính. Tôi không nghĩ rằng ông ta là một Việt cộng “tối thượng thừa”, dù sau khi nghe (lại nhiều lần) lời kêu gọi của ông trên đài phát thanh Sàigon ngày 30 tháng Tư, 1975. Ngày ấy, đảng CS chưa ra mặt. Người Miền Nam chỉ biết đến các ông trí thức Miền Nam: Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo. Ông TCS, cũng như nhiều người khác, tin tưởng lời kêu gọi của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Ông TCS, nghĩ mình là người của công chúng (đã nổi tiếng) lên đài phát thanh kêu gọi mọi người đừng đi di tản, theo tôi, là một việc làm dễ hiểu.

    Âm nhạc của TCS đã đi thẳng vào lòng người. Chỉ cần có một chút tấm lòng biết thương cảm đến những người xấu số, kẻ bạc mệnh, đến thân phận con người Việt Nam thời ấy, nghe Khánh Ly, Hồng Nhung hát nhạc Trịnh là tự nhiên nước mắt lưng tròng.

    TCS sống rất thật với lòng mình. Rất đúng: ông là người thật thà, không hại ai bao giờ.

  6. Cám ơn anh ĐV đã viết 1 bài đầy đủ và sâu đậm về nhạc sĩ TCS. Với những người tố TCS là CS thì nên đọc câu nầy của Văn Cao 1 cách cẩn thận đê thấy TCS đứng phía trên những ý thức hệ chính trị: “Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền”

Leave a comment