Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu


“Con là Carnot đây, Thầy còn nhớ con không?”
———  Luân Lý Giáo Khoa Thư, lớp Đồng Ấu

Đào Viên

Tôi chỉ học Vỡ Lòng – bây giờ được gọi là lớp Mẫu giáo – tại trường Kiến Văn cạnh nhà, đường Harmand (bây giờ là Trần Xuân Soạn)  có một năm và khi đủ sáu tuổi, tôi được thầy mẹ tôi xin  cho vào trường Hàm Long là trường Tiểu học công lập mở ra cho các trẻ em trong vùng. Trường này, tên thực thời ấy là École Primaire Léonet, tọa lạc trên một khoàng đất khá lớn, trên đường Hàm Long và gần Phố Huế, có hàng rào xi măng và cửa sắt vây kín để học trò không thể trốn học đi chơi được.

Luân Lý Giáo Khoa Thư

Luân Lý Giáo Khoa Thư

Trường có hai dẫy nhà thấp, và có sáu lớp bậc Tiểu Học, từ lớp nhỏ nhất là lớp Đồng Ấu, (tiếng Pháp là Enfantin) đến lóp cao nhất là lớp Nhất (Supérieur), qua các lớp Dự Bị (Préparatoire), lớp Sơ Đẳng (Elémentaire), lớp Nhì 1 (Moyen I) và lớp Nhì 2 (Moyen II). Mỗi bậc, trường chỉ có một lớp thôi.

Học song lớp Sơ Đẳng, học trò phải thi một cái bằng gọi là bằng Sơ Học Yếu Lược. Có đậu mới được lên lớp Nhì. Nếu trượt thì phải học lại một năm nữa. Nếu trượt lần thứ hai thì phải về nhà, không được đi học nữa. Học song lớp Nhất của bậc Tiểu học, học trò lại phải thi thêm một cái bằng khác gọi là bằng Sơ Học Pháp Việt (Certificat d’Étude Primaire Franco-Indochinoise, gọi tắt là CEPFI). Cũng vậy, thi đỗ thì mới được  ghi tên vào các trường Trung Học, Không đậu, phải học lại. Chế độ học vấn thi cử này phỏng theo lối tổ chức bên mẫu quốc. Có điều đáng chú ý là bên Pháp, học trò không phải qua kỳ thi Sơ Học Yếu Lược như bên Việt Nam. Đây là một hàng rào được người Pháp dựng lên để ngăn chặn bớt con em Việt Nam đi học.

Học trò đi học ngày khai trường

Ngày khai trường của trường Hàm Long là một biến cố trọng đại. Học trò chúng tôi ăn mặc chỉnh tề, quần trắng, áo dài đen, chân đi guốc hay đi dép da, đầu đội mũ trắng bằng bấc (liège), có vành che nắng, một tay xách cái cặp da mới, còn phảng phất mùi da bò thuộc chưa kỹ, hăng hăng, thum thủm còn cứng nhắc, một tay nắm chặt lấy tay bố hay mẹ, lũ lượt kéo đến trường. Đến trường, học trò phải đứng xếp hàng đôi trước lớp học, dưới bộ mặt nghiêm trọng của Thầy giáo, chờ trống điểm giờ vào lớp.

Lớp học ở trường Hàm Long tất nhiên rộng rãi hơn, sạch sẽ hơn các lớp ở trường Kiến Văn. Lớp thì rộng, trần thì cao, khiến cho đứa học trò bé bỏng như tôi càng cảm thấy cái thân phận bé nhỏ trước một thế giới rộng lớn của tổ chức học đường. Bàn thầy giáo ở đây lại được kê trên một cái bục to và cao, để thầy có thể nhìn xuống thấy rõ ràng không sót một đứa nào trong lũ học trò bé nhỏ đang nem nép lo sợ. Cái bảng đen cũng thấy sao mà to treo cao lạ lùng. Nhìn đến cái thước kẻ bảng đang được ông thầy nắm chắc trong tay, và thỉnh thoảng lại được đập mạnh lên bàn một cái, lũ học trò càng thấy rõ ràng mình đã hết còn là trung tâm chiều chuộng của gia đình như ở nhà nữa, mà đang ở một thế giới mới, trong đó mình chỉ là một hạt bụi nhỏ không đáng kể trước một đoạn đường mới phải đi qua, với nhiều thử thách và khó khăn bất ngờ. Chắc chắn là không thể lùi bước mà cũng không thể chạy chốn ra ngoài được, vì cái thước kia, cái hàng rào ngoài kia sẽ xua mình trở lại.

Đánh trống vào lớp

Ông Thầy lớp Đồng Ấu của tôi tên là Môn. Các ông thầy khác là thầy Tảo dậy lớp Dự Bị, thầy Kiên dậy lớp Sơ Đẳng, thầy Mậu dậy lớp Nhì 1, thầy Hải dậy lớp Nhì 2 và thầy Đông dậy lớp Nhất, đồng thời cũng là Hiệu trường của trường. Tôi còn giữ khá nhiều kỷ niệm về ông thầy nghiêm khắc này, một người to lớn hơi béo mập và rất ít cười. Ngày xưa, ông Thầy nào cũng nghiêm khắc cả, nhưng các Thầy khác vui vẻ và dễ dãi hơn. Điều này có lẽ vì thầy Môn là thầy nhập môn của tôi, mà theo đúng tập quán cổ truyền của người Việt, dưới ảnh hưởng của Khổng Giáo, phải được kính trọng và coi như cha mình. Mổi lần tết nhất, ít ra hai lần vào tết Nguyên Đán và tết Trung Thu mỗi năm, Mẹ tôi cũng dắt tôi đến tận nhà Thầy để tỏ lòng kính mến biết ơn công dạy dỗ nên người, và biếu Thầy quà cáp.

Thầy Môn, xấp xỉ bằng tuổi Thầy tôi, có một người con gái cùng lứa tuổi với các anh lớn của tôi. Cô này tên là Viên, người mảnh mai, xinh đẹp, hiền hòa, với mái tóc quấn vành dây trên đầu, cái áo dài mầu tươi sáng,

Cổ đeo kiềng vàng

cái kiềng vàng đeo trên cổ, với một tiếng nói rất thánh thót. Đúng như câu ca dao: “Người thanh tiếng nói cũng thanh. Cái chuông khẽ đánh bên thành cũng kêu”. Con gái thời xưa ít trang điểm, nhưng cô Viên hẳn biết rõ cái sắc đẹp trời cho của mình, đã kín đáo giữ gìn và tô điểm thêm, nên đã làm cho tôi, một đứa bé mới sáu bẩy tuổi đã phải chú ý rất nhiều. Điều này còn có một lý do khác mà sau này tôi mới vỡ lẽ hiểu ra, vì cô Viên, cũng là một cô giáo, nhưng dạy tại một trường tư thục gần nhà, và sau này cũng là cô giáo của tôi ở trường ấy.

Ở trường Tiểu học Hàm Long tôi là một đứa học trò không có gì là gương mẫu cả: ham chơi nhiều hơn ham học, rất chội ở ngoải sân trong giờ ra chơi với mấy đứa bạn vây quanh thán phục tài bắn bi, đánh đáo dưới cây bàng lá đỏ, nhưng chỉ tránh né lặn hụp ở trong lớp vì bài không thuộc, vở không chép. Thầy Môn đã hơn một lần gọi tôi lên bục, đứng trước tấm bảng đen,

“Năm nay tôi lên bẩy, tôi đã lớn, tôi không chơi dùa lêu lổng như mấy năm còn bé…”

bắt khoanh tay lại và vén cái tà áo sau lên để lộ ra cái mông bé nhỏ của tôi để Thầy chứng tỏ cho cả lớp xem cái độ cứng của cái thước kẻ bảng nặng nề. Tôi là đứa bé rất chịu đòn và đã bị nhiều trận đòn nên thân nhưng rồi lại quên ngay. Nhưng đối với trận đòn của Thầy Môn tôi nhớ lâu và vẫn còn nhớ đến tận bay giờ, là trận đòn trong đó Thầy làm cuộc chứng minh cái độ cứng của cái thước kẻ bảng  một cách thong thả, để tôi có thì giờ thấy thấm thía cái vụt trước và chờ đợi cái vụt sắp tới. Trong khi đó Thầy lại mang cha mẹ tôi ra mắng nhiếc tôi trước mặt các bạn bè tôi:

Trường Viễn Đông Bác Cổ (năm 1946)

-“Thằng này là con ông Tham K. ở trường Viễn Đông Bác Cổ, con nhà rất danh giá  học  hành dốt  nát lười biếng. Thực đáng xấu hổ…”

Sau mỗi câu hay mỗi mệnh đề của một câu, Thầy lại chấm câu bằng một cái vụt trên mông tôi. Hồi đó tôi căm giận Thầy Môn vô cùng, không phải vì cái thước kẻ bảng nặng nề mà tôi đã quên liền sau đó, mà vì Thầy Môn đã nói lên tên cha mẹ tôi cho cả bạn bè tôi biết, một điều cấm kỵ đối với lũ trẻ chúng tôi thời ấy. Sau này khi tôi đã học Trung Học rồi, khi  tôi đã trở nên một đứa học trò ngoan ngoãn hơn, giỏi giang hơn, không còn mặc cảm là con chiên ghẻ trong lớp Thầy Môn nữa, khi những ngày học với Thầy Môn chỉ còn là một quá khứ xa xôi, mỗi khi có dịp, tôi vẫn đến vấn an Thầy lúc ấy đã già, đến thăm cô giáo Viên, cũng là cô giáo cũ của tôi một thời, đã lớn tuổi nhưng không lập gia đình và còn ở với cha.

Tình nghĩa thầy trò đối với tôi là một điều trọng. Tôi đã được dậy dỗ như vậy ở trong gia đình cũng

Nicholas Sadi Carnot trong trang phục của trường Polythechnique

Nicolas Léonard Sadi Carnot trong trang phục của trường Polythechnique

như ở trường. Một trong những bài đọc trong cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư bậc tiểu học mà tôi bị ảnh hưởng nhiều và bây giờ vẫn còn nhớ là chuyện về ông Carnot(1). Ông Carnot là một khoa học gia có tiếng của Pháp, là người đã tìm ra nguyên tắc chu kỳ máy nổ (combustion cycle) với bốn thì trong Nhiệt Động Học (Thermodynamics). Sau khi đã trưởng thành và trở nên một người có danh vọng trong xã hội, một thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp (Académie des Sciences), ông Carnot một hôm trở về làng cũ và bất thần đến thăm ông thầy tiểu học đã từng dậy dỗ mình khi xưa. Thấy ông thầy cũ nay đã già yếu, còn bỡ ngỡ trước một ông khách lạ, quần áo sang trọng, cung cách oai nghiêm, chưa nhận ra là ai, thì ông Carnot đã vội nói:

-“Con là Carnot đây, Thầy còn nhớ con không?”

Câu chuyện này, nhất là câu nói trên đã để lại trong lòng tôi một niềm cảm súc rất lớn lao của một người học trò học hành không có gì là xuất sắc, không những thế đã từng làm thất vọng cha mẹ cũng như thầy giáo, nhưng trong lòng vẫn còn rất nhiều tình cảm sâu đậm đối với các bậc sư phụ đã có công dậy dổ mình về phương diện trí dục cũnh như về đức dục.

Tôi chỉ ở trường Hàm Long có bốn năm tử lớp Đồng Ấu đến lớp Sơ Đẳng, mà tôi đã phải học hai năm mới thi đậu được cái bằng Sơ Học Yếu Lược. Sau đó tôi bị đuỏi ra bì học bạ quá kém. Tôi đã phải đi học tiếp tại một trường tư thục, là trường Trí Tôn, gần nhà. Tại trường này, tôi đã được gặp cô giáo Viên nói trên. Cô Viên giậy lớp Nhì và tôi đã học Cô năm ấy. Khác với trường Hàm Long, không khí ở trường Trí Tôn ấm cúng hơn, vì lớp nhỏ hẹp, học trò đông đúc hơn, và vì kỷ luật trường lỏng lẻo hơn. Thêm vào đó cô giáo Viên lúc nào cũng vui vẻ, xinh đẹp, tươi tỉnh.

Một hành động của cô giáo Viên làm tôi nhớ mãi là vào gần cuối năm ta năm tôi học ấy, trong giờ thủ công cô giáo đã bắt  chúng tôi phải gấp một cái thuyền bằng bìa mầu, có trang điểm, và học trò phải đề tên mình lên thuyền rõ rệt. Cô giáo thu các thuyền ấy mang về nhà để chấm điểm. Tuần sau, hôm ấy là hôm học chót trước khi nghỉ tết Nguyên Đán, cô Viên trả

Một lớp học trò tiểu học

bài thủ công, mang theo một cái quả tròn lớn đậy kín, được cô mang đến để trên bàn thầy giáo. Học trò được gọi lần lượt lên để cô trả lại cái thuyền gấp tuần trước, nhưng cái thuyền bây giờ lại đựng đầy bánh kẹo mà cô lấy ở cái quả tròn ra. Tất cả học trò đã được cô cho ăn bánh kẹo của Cô đã làm hay mua, thay vì những cái thước kẻ bảng nặng nề của các thầy giáo khác như cha cô. Điều này đã làm chúng tôi thích thú vô cùng, quý mến cô nhiều hơn, và thương cô nhiều hơn khi thấy cô bị một tai tiếng không hay, đã làm sự nghiệp giáo dục của cô đứt đoạn và cuộc đời của cô bị dang dở.

Trường tôi có nhiều lớp và cũng có nhiều thầy. Một trong những vị thầy đó – tôi đã quên mất tên – là một thầy còn trẻ, giậy lớp Nhất. Vị thầy này hẳn là đẹp trai và có phong thái đáng mến, đã làm cho cô giáo xinh đẹp của tôi có gò má luôn luôn ửng hồng, đôi mắt luôn luôn ướt át sáng ngời, đôi môi luôn luôn cười nói, hình ảnh của một người đang hụp lặn trong hạnh phúc yêu đương. Cô giáo Viên đã yêu và cũng đang được yêu lại. Hai người gặp nhau hằng ngày ở trường nhưng vẫn phải giữ thái độ đứng đán trước các bạn đồng sự và trước các học trò, bởi thời đó, tình yêu nào chưa được gia đình y chuẩn vẫn chỉ là một sự vụng trộm phải tránh. Vì một lý do nào đó hai người vẫn chưa hợp thức hóa được mối liên lạc nên thơ nhưng cũng rất nguy hiểm này. Nhưng tình yêu đã làm họ trở nên bạo dạn liều lĩnh hơn. Trong giờ giậy học họ vẫn liên lạc với nhau, gửi cho nhau những bức thư tình kín đáo, qua đám học trò dễ bảo.

-“Em Quyên! Mang cuốn sổ điểm này sang lớp Nhất cho Cô!”

Em Quyên đâu!

Thỉnh thoảng Cô lại sai Quyên, một đứa học trò con gái ngồi bàn đầu và được Cô yêu mến nhất, làm việc trên. Mới đầu, tôi cũng như các học trò khác không biết. Nhưng về sau, lũ học trò tai quái kia đã khám phá ra rằng cuốn sổ điểm chỉ là để đựng những bức thư tình mà hai người đã trao đổi cho nhau để giảm bớt những nỗi nhớ nhung của một đôi bạn tình. Tất nhiên là khi đám học trò đã biết thì ban Giám Đốc trường và các bạn đồng sự cũng phải biết, và hai người đã phải nghỉ không dậy học  tại trường Trí Tôn nữa. Khi đó tôi cũng đã dời sang một trường khác và không còn biết những gì đã xẩy ra. Sau này tôi được biết vì một lý do nào đó, cuộc tình của hai người đã tan vỡ, và Cô tôi đã không một lần nào bước lên xe hoa nữa cả.

Gần mười năm sau, khi tôi lại vấn an Thầy Môn, tôi cũng được gặp lại Cô giáo Viên của tôi. Vẫn dáng người thanh thanh ấy, vẫn mớ tóc trần quấn trên đầu ấy, vẫn nét mặt khả ái ấy nhưng ánh mắt tinh anh yêu đời đã tắt, nụ cười tươi tắn không còn thấy nở trên môi nữa, có chăng chỉ là phảng phất một nỗi buồn man mác.

Cước ChúĐoạn văn này – trích từ cuốn Ngày Xưa Xa Xôi Ấy của cùng tác giảđược viết để tặng các bạn đã từng học trường Hàm Long hay trường Trí Tôn

__________________________________________________________________________________

1) Nicolas Léonard Sadi Carnot (1796-1832) sinh ngày 1 tháng 6 , 1796. Học rất giỏi, được vào trường Polythecnique với các bạn đồng sự như Gaspar Gustave Corriolis, Claude Louis Navier. Ông được dậy dỗ bởi các nhà khoa học gia danh tiếng như Joseph Louis Gay-Lussac, Siméon Denis Poisson và André Marie-Ampère

Tháng 11, 2009

6 responses to “Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu

  1. Cám ơn anh đã gửi cho đọc bài viết.
    Tôi đã chuyển bài này cho các cháu nhà tôi xem.
    Dưới đây là bản sao, gửi anh để tường:

    “Ba gởi các con bài viết của bác Đào Viên.

    Bài viết rất hay và rất hữu ích cho các cháu. Nhờ mấy con đọc bài viết (tới đoạn ông Carnot) cho các cháu nghe.

    Ba”

  2. Kính Anh Đào Viên,

    Bài của Anh làm cho tôi nhớ thời kỳ thơ ấu quá chừng . Cũng các kỷ niệm tương tự về các lớp từ Enfantin cho đến lúc đậu được bằng Dip lome . Có điều khác là vùng tôi không có Trường Công nên tôi phải di học các trường tiểu học tư, do các Bà Xơ giòng Phú Xuân Huế dạy. Các năm Trung học bi bỏ lỡ nhiều lần do Mỹ qua thả bom, Nhật đảo chính , rồi Việt Minh cướp chính quyền tiếp đến chiến tranh gọi là Toàn quốc kháng chiến , bị Tây đi hành quân bắt và tha chết, may được đi học lại thì lại bị động viên Khóa 1 SVSQTB Thủ Đức . Tuy nhiên tôi có đượcc may mắn là giải ngũ sau 3 năm lăn lộn chiến trường Vùng Dẫy Phố Buồn Hiu . Thấy anh có cả một cuộc đời niên thiếu hay hơn tôi nhiều lắm , khỏi bị chiến tranh gây đủ thứ trở ngại .
    Không biết ngoài Bắc ra sao , chứ ở Trung , họ bắt buộc phải đủ 9 tuổi mới được thi bằng Primaire. Qua đến khoảng 47-48 , mới bắt đầu có chương trình Hoàng Xuân Hãn, tuy nhiên trường Pellerin (Truong Tư do các Frères des Ecoles Chretiennes dạy) chúng tôi hoc, lại dạy chương Trình Pháp . Trường này từng đào tạo nhiều người nổi tiếng như Đức Cha Thuận, Ông Nguyễn văn Thiệu … Xin chúc Anh sứ’c khỏe. Rất mừng thấy Anh còn rất minh mẫn tuy tuổi đã cao. Lớp tuổi anh và tôi nhiều người đã ra đi rất nhiều . Cau mong…

  3. Cám ơn anh Đào Viên đã nhắc lại những kỷ niệm thời Trường Hàm Long Leonet, nơi anh và tôi đã từng chung học những năm đầu tiên bước vào ngưỡng cửa đời học sinh. Tôi cũng còn có dịp gập anh ở ngoại quốc trong buổi họp về HKDS, và đã cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm xưa này.
    Hiền

  4. Nguyễn Văn Ngọ

    Cảm ơn anh Đào Viên, tôi cũng là học trò cô giáo Viên ở trường Trí Tôn năm học 1938-1939, cours Elementaire. 80 năm đã qua, nhưng những kỷ niệm về trường Trí Tôn vẫn còn mãi trong trí nhớ, đặc biệt là về cô giáo Viên kính yêu

  5. Dung Nguyen Huy Trung

    Cảm ơn bác rất nhiều về bài viết. Cháu cũng là học sinh trường Hàm Long, thế hệ sau này. Nếu có thể, mong bác cho cháu biết thêm về lịch sử trường École Primaire Léonet, không biết tên này có từ bao giờ? Theo cháu được biết, trường tiểu học Pháp Việt được xây năm 1905 đến 1907 xong. Ban đầu, trường có tên École Franco Annamite Bd Doudard de Lagreé. Hồi cháu học thì còn dãy nhà 1 tầng 4 phòng bên phải (nhìn từ cổng) và khu hiệu bộ. Cháu không biết hai phòng còn lại ở đâu? Lần nữa xin được cảm ơn bác.

    • Thật là một sự thích thú không ngờ khi nhận được lừi Bình này từ ông bạn Trung Dung.

      Tôi học trường Hàm Long – Hàm Long là tên đường có nhà thờ Hàm Long – năm 1936, bao nhiêu năm nước chẩy qua cầu, cho nên chẳng còn nhớ bao nhiêu.
      Tôi thấy ông bạn Trung Dung còn nhớ và biết nhiều hơn tôi. Riêng về 6 lớp Tiểu học thì t̉ôi còn nhớ i dãy nhà 1 tầng 4 phòng bên phải (nhìn từ cổng) là các lớp học cho 4 lớp Enfantin, Preparatoire, Elementaire và Moyen 1. Hai lớp còn lại là Moyen 2 và Superieure là hai phòng trong căn nhà bên trái (nhìn từ cổng). Cân nhà này cũng là Vân phòng của trường Hàm Long và nhà cư ngụ của ông Giám Đốc trường. Không biết bây giờ cò không?

      Riêng về những chữ ” Bd Doudard de Lagreé” , tôi nghĩ đó là tên tiếng Pháp của phố Hàm Long; Boulevard Doudard da Lagrée (dấu sắc trên chữ e bên trái).

      Một lần nữa cám ơn ông bạn Trung Dung đã đem lại cho tôi nhỡng kỷ niệm thân thương này
      ĐV

Leave a comment