Một Ca Đoàn Đáng Chú Ý


                                               La musique adoucit les moeurs
                                                          — Ngạn ngữ Pháp
 
                              If I were not a physicist, I would probably be a musician.
                        I see my life in terms of music. I get most joy in life out of music
                                                      —- Albert Einstein

 

Đào Viên  

Mới đây không lâu, tôi được mời đi xem màn trình diễn của một ca đoàn gồm toàn những thiếu niên trẻ tuổi Hoa Kỳ – có tên là The All American Boys Chorus, TAABC – mà tôi được giới thiệu là rất hay. Tối hôm đó là tối thứ Bẩy và địa điểm là phòng hội lớn của trường Đại học tư thục Soka tại Aliso Viejo, California.

Trường Đại học Soka, Aliso Viejo

Soka là một đại học tư được thành lập từ năm 2001 bởi một cộng đồng người Nhật. Cộng đồng người Nhật này theo đạo Phật, trong một tổ chức cư sĩ gọi là Soka Gakkai(1), dịch sang tiếng Việt là Sáng Giá Học Hội. Bởi vậy đại học này có tên là Soka. Soka là một đại học nhỏ, phần lớn tập trung ờ trình độ Cử nhân, hàng năm có khoảng 400 sinh viên học với khoảng 60 nhân viên giảng huấn.

Mặc dầu chúng tôi đến sớm, nhưng số khán thính giả đến xem đã khá đông, nên phải xếp hàng lâu mới mua được vé vào cửa, ấy là vé đã được dành trước bằng điện thoại rồi.

Tôi được biết là giá vé, có nhiều hạng, cũng không rẻ gì. Hạng chót, phải ngồi tuốt trên cao, tầng chót, rất xa khán đài – ngày xưa ở rạp hát lớn Hà Nội, người ta gọi là “chuồng gà”, dịch theo tiếng Pháp là “le poulailler” – đã phải trả $20 đô la một vé.

Theo chương trình được phát trước, buổi trình diễn có hai phần: phần thứ nhất bắt đầu lúc 07:30 pm, kéo dài khoảng 45 phút, rồi đến 15 phút giải lao; phần thứ hai nối tiếp. Đến 10:00 pm thì bế mạc.

***

Những bản nhạc sẽ được ca đoàn TAABC trỉnh diễn có khoảng 30 bài. Tất nhiên là đối với tôi, một người Việt sang đây khi đã luống tuổi, khi xem chương trình, tôi chẳng nhìn ra mấy bài mình biết. Nhưng dường như dó là những bài rất phổ thông đối với người Hoa kỳ, bởi vì những người quanh tôi họ rất tán thưởng, vỗ tay rào rào.

The All American Boys Chorus ra trình diễn

Lần đầu tiên, trông thấy ca đoàn bước ra sân khấu, tôi thấy đã bị chinh phục ngay. Tất cả có khoảng sáu bẩy chục em, mặc đồng phục áo “veston” đỏ quần dài đen, đứng sang hai bên khán đài, trên bốn cái bục mỗi bên. Dưới quyền điều khiển của một ông nhạc trưởng, và được hỗ trợ bởi sáu người nhạc công (chơi các nhạc khí: Lục huyền cầm, Dương cầm, Chiêng trống, kèn Trumpet, Timpani và đàn ống organ) ca đoàn hát rất điêu luyện: hát nhiều bè, nhiều giọng, rất ăn khớp. Trong khi trình diễn, không phải ca đoàn chỉ đứng yên. Tùy bài ca, các em có những cử động như dậm chân tại chỗ, nghiêng ngả đầu mình, đổi chỗ, giơ tay v.v. Trong bài hát Beach Boys nói về bãi biển có nắng chan hòa, mổi ca đoàn viên rút ngay trong túi ra một cái kính đen mà đeo lên mắt.

Một trong những phần được trình diễn hôm đó là năm bài hát ca ngợi Quân đội Hoa kỳ: “Salute to the US Armed Forces”.

–          bài “The Army Goes Rolling Along” của Lục quân Hoa kỳ.

–          bài “Anchors Aweigh” của Hải quân Hoa kỳ

–          bài “Off We Go (Into the Blue Yonder)” củ Không quân Hoa kỳ

–          bài “From the Halls of Montezuma (To the Shores of Tripoli) của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ; và

–          bài “Semper Paratus” của Quân Tuàn Phòng Bờ biển Hoa kỳ.

Dưới đây là màn trình diễn ca ngợi quân đội Hoa Kỳ:

Khi trình diễn những bài này, một số em trong ca đoàn đem cờ của mỗi đội quân tương ứng ra, phất lên, rồi cắm cờ vào chổ định sẵn. Nhiều bài được ông nhạc trưởng quay lại hội trường mời mọi người hát theo. Rất nhiều người đã hát theo ca đoàn, bởi vì đó là những ca khúc rất quen thuộc với người Hoa kỳ.

Một điều làm tôi khá ngạc nhiên là trong khi mọi người ngồi nghe ca đoàn trình tấu những bài ca của quân đội Hoa kỳ, thỉnh thoảng tôi thấy có những thính giả bỗng nhiên đứng lên, nghiêm chỉnh giơ tay chào. Tôi được giải thích đây là những cựu chiến binh, đi xem hát, nhưng khi được nghe bản nhạc của quân đội mình, họ phải nghiêm chỉnh làm như vậy, giống như khi còn tại chức. Xem ra tinh thần ái quốc của người dân Hoa kỳ rất cao. Tôi chắc rằng mỗi khi phải bị động viên, ra mặt trận, đại đa số người dân sẽ sẵn sàng đứng lên làm bổn phận công dân của mình.

Theo tôi được biết ca đoàn TAABC được thành lập đã hơn 40 năm, có trụ sở tại Costa Mesa thuộc quận Cam, California. Họ đã đi lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, kể cả Moscow, Leningrad, Kiev thuộc nước Nga; Bucharest, Sibiu và Iasi thuộc Lỗ Ma ni (Romania); Vienna và Salzburg thuôc nước Áo; Venice, Florence, Assisi và Rome thuộc Ý Đại Lợi; Grachen và Zermatt thuộc nước Thụy Sĩ; Friensing, và Erlangen thuộc nước Đức; tám đô thị tại Nhật Bản, Bắc Kinh, Thượng Hải tại Trung Quốc, chưa kể đến những lần đi lưu diễn trong nước, sang Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi. Mới năm ngoái 2011, ca đoànTAABC đã đi lưu diễn tại Malaysia (các thành phố Kualumpur, Penang, và Putrajaya), Singapore và Úc Đại Lợi (tại Sydney, Prisbane và Perth).

Ca đoàn TAABC cũng đã từng góp mặt với những nghệ sĩ lừng danh như Bob Hope, Tony Bennett, Paul Anka, Victor Borge, Pat Boone, Delta Reese, Melissa Manchester, Josh Grobab và Mary Hart. Không những thế họ cũng đã đứng trên khán đài với nhiều nhân vật nổi tiếng trong thương gia, kỹ nghệ gia, truyền thông và chính khách như các vị Tổng thống Richard Nixon, Gerald Ford, Jimmy Carter, Ronald Reagan và George Bush, cựu Thủ tướng Đức ông Helmut Kohl, tướng Normamn Shwarzkoft, tướng Colin Powell, các ông Henry Kissinger, Lee Iacocca và Walter Cronkite.

Ca đoàn viên tập sự mặc áo xanh

Ca đoàn này được tổ chức như một đoàn thể bất vụ lợi, mở ra cho tất cả các thanh thiếu niên, nam sinh, không phân biệt nòi giống, tín ngưỡng, giầu nghèo, quốc tịch kề cả gốc gác từ đâu đến. Ca đoàn chính thức có 110 đoàn viên. Mỗi đoàn viên chỉ được gia nhập ca đoàn sau tám tuần khảo nghiệm khả năng ca hát, khiếu âm nhạc. Những em này mới chỉ là đoàn viên tập sự, dưới sự hướng dẫn chỉ bảo của một hay nhiều ca đoàn viên chính thức, gọi là Concert Choristers. Đoàn viên tập sự được khoác áo của ca đoàn, nhưng là áo mầu xanh. Đoàn viên chánh thức, Concert Chorister, mới được mặc áo ca đoàn mầu đỏ. Sau đó mỗi em đoàn viên tập sự phải qua một thời gian dài từ sáu tháng đến một năm để học thuộc nằm lòng 40 bài căn bản của ca đoàn. Một đoàn viên Concert Chorister được chỉ định để nghe, khảo sát từng bài xem ứng viên tập sự hát có đủ tiêu chuẩn của ca đoàn hay chưa. Chỉ sau khi qua khỏi cửa ải này, ứng viên tập sự mới trở thành một đoàn viên chánh thức – một Concert Chorister – của ca đoàn, khoác áo mầu đỏ để cùng các bạn ra trình diễn.

Đọc danh sách các đoàn viên ra trình diễn, tôi thấy có nhiều tên họ là người Việt Nam hoặc là Trung Hoa, như Benjamin Nguyen, Andrew Nguyen Courtney, Khoi Vo, Edward Truong, Eric Xu, Nicholas Liu,  Mathew Yim, Brandon Ko, Jasper Yang, Michael Yao…

Tôi còn được biết mỗi tuần, trong những ngày Chủ Nhật, các đoàn viên phải đền trụ sở ca đoàn tại Costa Mesa để học hỏi về lý thuyết âm nhạc và để tập dượt đơn ca và đồng ca với ông nhạc trưởng. Mỗi đoàn viên phải đến học ít ra là hai Chủ Nhật mỗi tuần, nhưng tuần tiếp theo phải đến ba Chủ Nhật. Nhạc lý được ông thầy nhạc trưởng chỉ dạy bao gồm cách đọc nốt nhạc và hát một nhạc phẩm theo phương pháp “Solfeggio”. Xem như thế, vị nhạc trưởng cũng như ban giám đốc ca đoàn đã phải đặt ra những kỷ luật rất nghiêm minh để đào tạo ra những thanh thiếu niên, nam ca sĩ có tài, có kỷ luật, có tinh thần đồng đội, biết giúp đỡ lẫn nhau. Những đức tính này rất cần thiết khi ca đoàn đi lưu diễn ở những nơi xa xôi, trong nhiều ngày.

Ca đoàn TAABC mỗi năm đi lưu diễn xa nhà vào mùa Hè từ 25 đến 30 ngày. Tuy nhiên vẫn có thể có những lần đi lưu diễn ngắn hạn hơn, vài ba ngày, một tuần, vào mùa Xuân hay mùa Thu, tùy nhu cầu. Mỗi lần đi trình diễn xa như vậy, ca đoàn chỉ có từ 32 đến 36 đoàn viên chọn lựa trong số những em ít ra trong năm đã qua một trại huấn luyện dài cả tuần, tỏ ra biết giữ kỷ luật, có tài tổ chức và đã chứng tỏ biết sống hòa hợp tốt đẹp với các bạn trong ca đoàn.

Dưới đây là hình ảnh các em đang cùng nhau tập dượt.

Ca đoàn viên cùng nhau học tập

Mỗi lần đi xa lưu diễn nhiều ngày như vậy, mỗi đoàn viên được báo trước khá lâu. Mỗi em được ban tổ chức cho một danh sách tất cả những gì phải mang theo, từ quần áo, vật dụng tùy thân đến sách vở giấy bút, không được mang nhiều hơn hay ít hơn. Tất cả những thứ khác. ban tổ chức của ca đoàn sẽ lo liệu. Vì phần lớn những kỳ đi lưu diễn xẩy ra vào mùa Hè, cho nên việc học hành của các em tại trường không bị trở ngại. Tuy nhiên có những lần đi lưu diễn còn trong năm học của đoàn viên, các em được ban tổ chức can thiệp với trường để các em được làm và nộp bài vở như còn ở nhà, qua hệ thống Internet.

Một đoàn viên thông thường chỉ sinh hoạt với ca đoàn khi còn ít tuổi. Trên 20 tuổi, hoặc trước đó khi tiếng đã vỡ thành tiếng người lớn rồi, người Chorister được khuyến cáo rời ca đoàn, nhường chỗ cho những em ít tuổi hơn. Nếu muốn, người đoàn viên lớn tuổi có thể gia nhập một tổ chức khác, là tổ chức những cựu đoàn viên – TAABC alumni. Hiện nay đã có trên 1000 cựu đoàn viên TAABC ở rải rác khắp nơi, thỉnh thoảng được mời trở về, hát chung với ca đoàn.

Còn việc tuyển dụng những em mới? Thông thường phụ huynh các em, sau khi đi xem ca đoàn trình diễn, hoặc nơi công cộng hoặc ngay tại trường, hay được bạn bè giới thiệu, đã liên lạc, đem con em đến trụ sở của ca đoàn để xin gia nhập. Trong suốt 40 năm thành lập ca đoàn, ban giám đốc đã tiếp súc với trên 60,000 em nhỏ muốn xin vào ca đoàn.

Để tổ chức một ca đoàn như TAABC, ban Giám đốc phải có nguồn tài trợ để trang trải những phí tổn tại chỗ như địa ốc (văn phòng), xe cộ (xe buýt), nhân viên, và những phí tổn khi đi lưu diễn như tiền di chuyển (phi cơ, hỏa xa, xe buýt), tiền ăn ở (khách sạn, ẩm thực). Nguồn tài trợ này có được là từ tiền thu nhập bán vé những buổi trình diễn công cộng (như tại Đại học tư thục Soka nói trên), tiền trả công cho đoàn đến trình diễn một buổi hội họp tư nhân (đám cưới, board meeting, Country club..), tiền bán những đĩa nhac CD, tiền ủng hộ từ các tập đoàn kinh tế tại chánh, các doanh nhân. Ngoài ra hằng năm các em trong ca đoàn cũng đứng ra tổ chức quyên tiền cho đoàn bằng cách chạy bộ. Tôi được biết mỗi lần TAABC được tư nhân mời đến trinh diễn, họ được trả công từ $5,000 Mỹ kim đến $8,000 Mỹ kim. Còn đối với những buổi trình diễn quy mô hai ba tiếng đồng hồ cho công chúng vào xem, tôi chắc tiền thu nhập phải hơn rất nhiều

Một ca đoàn có thành công hay không, phần lớn là nhờ ở người nhạc trưởng – music director – của ca đoàn. Ông này có trách nhiệm rất nặng. Ông là người tìm ra (cả trăm) bài ca thích hợp với sự yêu thích của thính giả, nếu cần, soạn hòa âm (harmony) và phối khí (orchestration) cho bản nhạc, đặt ra một “repertoire” cả trăm bài ca sẵn sàng mang ra trình diễn, huấn luyện dạy dỗ các đoàn viên nhạc lý, tập dượt đơn ca đồng ca hằng tuần với các đoàn viên, hướng dẫn ca đoàn đi lưu diễn, giữ gìn trật tự và kỷ luật trong khi đi lưu diễn, trông nom săn sóc sức khỏe các em trong khi xa nhà, v.v…

Ông nhạc trưởng Wesley Martin

Hiện nay người nhạc trưởng ca đoàn là ông Wesley Martin, người Úc Đại Lợi, thành phố Sydney. Ông Martin được mời làm nhạc trưởng từ năm 2002. Ông đã tốt nghiệp Cử nhân về khoa Sư phạm Âm nhạc từ Đại học Sydney Conservatorium of Music năm 1989. Sau đó, với học bổng của chính phủ Hung Gia Lợi, năm 1992 ông sang Hung Gia Lợi học thêm về Sư phạm âm nhạc tại trường Kodaly Institute of Pedagogy. Tại Úc châu ông đã giữ nhiều chức vụ làm giáo sư âm nhạc hay nhạc trưởng quan trọng. Tại tiểu bang New South Wales, ông làm giám đốc nhạc trưởng cho ca đoàn Australian Youth Choir. Tại Sydney, ông làm Phụ tá giám đốc nhạc trưởng cho tổ chức Sydney Beethoven Society, rồi giám đốc nhạc trưởng cho ca đoàn the Australian Youth Choir Chambber Emsemble. Đồng thời ông cũng ở trong ban giảng huấn tại đại học St. Aloỳsius College in Milson’s Point, Sydney. Ông chính cũng là người đã đóng góp cho sự phát triển các ca đoàn quy tụ 2,000 đoàn viên Úc châu.

***

Tôi nghĩ một ca đoàn như TAABC được tổ chức như trên là một việc rất đáng chú ý. Rất đáng chú ý bởi vì đây là một tổ chức nghệ thuật không chuyên nghiệp (non-professional) nhưng có một “trình độ nghệ thuật chuyên nghiệp”, một tổ chức căn bản là những thanh thiếu niên học sinh bình thường không chuyên nghiệp nhưng được hướng dẫn bởi một số người chuyên nghiệp.

Đứng về phương diện tổ chức, ca đoàn TAABC được tổ chức như một đoàn thể bất vụ lợi cho nên không thể thành một ca đoàn chuyên nghiệp lấy lợi nhuận làm mục tiêu chính được. Trong ca đoàn này những người chuyên nghiệp được trả lương có lẽ được đếm trên đầu ngón tay:

Ông nhạc trưởng là một người chuyên nghiệp được thuê vào làm một công việc nhất định. Trách nhiệm và công việc của ông nhạc trưởng, như đã nói ở trên, rất nặng nề, chỉ một người chuyên nghiệp mới làm được.

Ban giám đốc của ca đoàn dường như có một hoặc hai người làm việc thường trực cho ca đoàn. Công việc chính của họ là quản trị hành chánh sinh hoạt của ca đoàn và nhất là vấn đề tài chánh của ca đoàn. Họ có trách nhiệm rất quan trọng là tìm nguồn tài trợ cho ca đoàn qua đủ mọi hình thức: liên lạc với mọi nơi – trong nước và ngoại quốc – để có những hợp đồng cho ca đoàn đi trình diễn; liên lạc với các doanh nghiệp tư xin trợ giúp tài chánh. Họ đã từng được các doanh nghiệp như: Bank of America, US Bank, Boeing Cie,  Edison International, Oracle Cie, và những hội đoàn tư “foundations” như Pacific Life Foundation giúp đõ nhiều năm. Trong ban giám đốc còn có những nhân viên văn phòng, tài xế lái xe, thảng hoặc những công nhân viên dọn dẹp quét tước, là những người chuyên nghiệp được trả lương.

Còn lại là 110 đoàn viên chánh thức (concert choristers) và hơn 1000 cựu đoàn viên (alumni). Họ là những người tự nguyện gia nhập ca đoàn vì yêu nghệ thuật, không được trả lương, và không có hậu ý trở thành ca sĩ chuyên nghiệp để mưu sinh.

Đúng về phương diện xã hội, ca đoàn TAABC là một kết hợp rất hài hòa của những người yêu nghệ thuật, thích ca hát – đây là những thanh thiếu niên nam sinh còn trong tuổi đi học – với những người muốn làm một công việc có ích cho xã hội:

–          đem nghệ thuật ca hát đến cho mọi người;

–          đào tạo những nam sinh thích ca hát trở thành những ca sĩ gần như chuyên nghiệp với vốn liếng nhạc lý cao và đầy đủ bài bản.

–          huấn luyện các em đoàn viên có thêm nhiều đức tính tốt mà gia đình nhiều khi không làm được. Các em có thêm tinh thần kỷ luật, tinh thần đồng đội, tháo vát hơn, biết giúp đỡ lẫn nhau.

–          tổ chức những chuyến đi lưu diễn trong đó các em đoàn viên có dịp ra ngoài hơn là nơi chốn mình đang ở, được ra đi để: “biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông, biết đời viển vông, biết ta hãi hùng”, hay để :”thấy lòng phơi phới, thấy tình thế giới, thấy niềm tin mới…” như một nhạc sĩ đã viết.

Gia đình có con em trong ca đoàn tỏ ra rất hài lòng với sự xắp xếp này, mặc dầu cho con em vào ca đoàn cũng phải mất chút ít tiền. Ngoài áo “veste” đỏ của ca đoàn được phát không – thực ra là cho mượn khỏi trả tiền – chỉ trả lại khi ra khỏi ca đoàn, gia đình phải mua những thứ còn lại như: quần dài đen, giầy da đen, áo sơ mi trắng với cà vạt đen, một cái túi lớn mầu đỏ để đựng quần áo khi đi xa. Ý kiến tổ chức một ca đoàn gồm toàn những nam sinh đã tỏ ra là một ý kiến xác đáng. Quản lý một ca đoàn gồm cả nam lẫn nữ sinh sẽ không phải là một vấn đề đơn giản, nhất là khi đi lưu diễn.

Tôi nghĩ rằng mô hình tổ chức một ca đoàn như TAABC là một mô hình tốt, điều này đã được chứng tỏ bởi 20 năm phát triển của đoàn thể này. Một ca đoàn không hẳn chuyên nghiệp như TAABC “sống lâu” được như vậy – không chết yểu như một số ca đoàn Việt Nam – theo tôi là vì ca đoàn luôn luôn có “sinh khí” để sống còn. Về nhân sự, luôn luôn có đoàn viên mới thay thế đoàn viên cũ; có đầy đủ đoàn viên dự trữ  – TAABC alumni – để tiếp tay. Về tài chánh, nguồn tài trợ do chính ca đoàn làm ra hay từ những công kỹ nghệ bên ngoài được khéo léo thu xếp an toàn.

Dưới đây là hình ảnh ca đoàn TAABC trình diễn đầy “sinh khí” với đông đủ “Choristers” và “alumni”.

Nhiều khi tôi tự hỏi: có thể nào có một ca đoàn tương tự ở Việt Nam không? Dĩ nhiên là văn hóa xã hội và tập tục mỗi nơi một khác cho nên chúng ta không thể rập khuôn tổ chức một ca đoàn y như TAABC được, nhưng khuôn mẫu có sẵn đấy, ban tổ chức sẽ tùy nghi gia giảm cho hợp với nền văn hóa và tập tục nước nhà.

Trong chuyện này yếu tố tích thì cực không thiếu. Người Việt, từ già đến trẻ, phần lớn yêu thích âm nhạc, thích ca hát. Đem nghệ thuật ca hát, tân nhạc hay cổ nhạc – có thể thêm vào đó nghệ thuật chơi nhạc khí – vào lòng dân tộc, từ thành thị đến thôn quê, là một điều không những thích hợp với dân tộc tính mà còn là một điều rất nên khuyến khích. Không những thế, tôi tin rằng ca đoàn sẽ được số đông đồng bào hưởng ứng. Những bài hát nói lên tình tự dân tộc, từ lòng ái quốc đến nỗi lòng vui sướng hay khổ ải của người dân, chắc chắn sẽ là nguồn cảm ứng, cho tình nghĩa đồng bào.

Tổ chức một ca đoàn theo mô hình của TAABC tại Việt Nam không phải là chuyện khó, từ việc tuyển lựa các đoàn sinh, thuê mướn vị nhạc trưởng, cho đến quản lý điều hành một tổ chức bất vụ lợi, giữ gìn sổ sách kế toán phân minh. Rất nhiều người Việt trong nước làm được việc này. Trường Quốc gia Âm nhạc đã đào tạo ra nhiều nhạc sĩ có tài để làm nhạc trưởng hay người đứng ra tổ chức một ca đoàn. Âm nhạc Việt nam cũng có rất nhiều bài ca thích hợp cho một ca đoàn đồng trình diễn. Một số bản nhạc của Văn Cao như “Tiếng Hát Sông Lô”, “Không quân Việt Nam” hay “Hải Quân Việt Nam”, hay của Lưu Hữu Phước như “Khải Hoàn Ca”, “Bạch Đằng Giang” là những thí dụ.

Đến đây hai yếu tố quan trọng cho sự sống còn của một ca đoàn bất vụ lợi sẽ là những điều không dễ giải quyết.

Thứ nhất là tìm nguồn tài trợ. Khi mới thành lập, ca đoàn chưa có tiếng tăm gì, ít người biết đến, ca đoàn không thể tự lực cánh sinh được mà phải dựa vào nguồn tài trợ ở ngoài. Tuy nền kinh tế trong nước đã mở mang, vói nhiều tập đoàn kinh tế tài chánh Việt nam hay ngoại quốc, tình hình kinh tế vẫn chưa ổn định. Tìm kiếm nguồn tài cho ca đoàn sẽ đòi hỏi ở người thành lập ca đoàn nhiều sự khôn khéo, móc nối, ảnh hưởng không phải ai cũng có.

Điều thứ hai là môi trường hoạt động của ca đoàn. Điều này không phụ thuộc vào ban giám đốc cũng như các thành viên của ca đoàn. Khác với một xã hội như Hoa Kỳ, trong đó làm nghệ thuật hay làm việc xã hội được tự do, dễ dàng, xã hội Việt Nam theo chủ nghĩa xã hội trong đó việc đi lại, hội họp, trú ngụ (trong khi đi lưu diễn) được quy định chặt chẽ bằng những chế độ kiểm soát (hộ khẩu), theo rõi, tùy tiện câu lưu, những hoạt động của ca đoàn – cũng như bất cứ đoàn thể nào khác – rất khó có cơ hội phát triển và bành trướng như ca đoàn TAABC được. Thời gian mới trả lời được.

______________________________________________________

(1)     Soka Gakkai, hay Sáng Giá Học Hội, là tổ chức cư sĩ những người Phật tử Nhật bản theo giáo phái Nhật Liên Tông (Nichiren Shoshu)  tại Nhật cũng như tại hải ngoại, nhất là tại Hoa Kỳ. Soka Gakkai được coi là một bộ phận ngoại vi của Nichiren Shoshu. Người sáng lập ra tổ chức cư sĩ này là ông Josei Toda (1900-1958). Chính ông đã đẩy mạnh sự truyền bá Nhật Liên Tông sang Hoa Kỳ và tổ chức cư sĩ trở thành Soka Gakkai USA (gọi tắt là SGI-USA). SGI trở nên mỗi ngày một mạnh khi có nhiều quan hệ thế tục với chính quyền. Thế rồi, cũng như Công giáo La Mã (Roman Catholics) và Phản Thệ giáo (Protestants) bên trời Âu, giữa SGI của cư sĩ và Nichiren Shoshu của tăng đoàn đã có nhiều mâu thuẫn, nhất là trong vấn đề quyền hạn của tổ đình Nhật Liên tại chùa Taisekji bên Nhật đối với hàng lãnh đạo SGI. Khi ông Daisaku Ikeda làm Chủ Tịch SGI thay thế ông Toda thì SGI-USA và Nichren Shoshu (Nhật Liên Chánh Tông)  không còn lệ thuộc nhau nữa mặc dầu cả hai đều làm công việc truyền bá giáo phái Nhật Liên. SGI-USA trở thành SGI International. Ông Ikeda được coi là một người lãnh đạo rất có tài và giúp SGI-USA phát riển rất mạnh không chỉ trong cộng đồng gốc dân Nhật mà còn cả trong các sắc dân khác nữa. Người ta ước lượng SGI International  hiện nay có khoảng 400 ngàn hội viên trong đó 25% là dân Á đông, 40% là người da trắng, 19%ø là người da đen và 4% là Nam Mỹ.(Xin xem thêm tại bài viết  Chim Sắt Ðã Bay… →)
 _________________________________________________________
                                                                                                                Tháng Giêng, 2013  

Leave a comment