Blog Archives

Image

This Section is dedicated to my parents


Image

Phật Học – Thư đi Tin lại (VIII)


           Tiếp theo Phật Học-Thư đi Tin lại (VII)

176176176  Khóa hạ tức an cư kết hạ là một thời kỳ tu tập chung của chư tăng (hay chư ni) kể từ 16 tháng tư đến 15 tháng 7 âm lịch.  Sau mỗi khóa hạ thì mỗi vị thêm một tuổi đạo, vì thế trong ngày rằm tháng 7, Phật tử mừng tuổi chư tăng ni (người thế tục mừng tuổi nhau ngày mùng 1 Tết), ngày đó đối với chư tăng ni là hoan hỷ nhật.  Trước khi kết thúc khóa hạ thì mỗi vị phải làm lễ tự tứ. tự ý nói ra những khuyết điểm của mình trước chư tăng (ni) cầu xin được chỉ bảo thêm và sám hối.  Kết hạ là một lệ có từ thời đức Phật.

177177177   « Được thân người là khó lắm », ý câu này như sau : chết rồi, phải tái sinh vào một trong sáu nẻo thiên, nhân, a-tu-la, súc sinh, quỷ đói, địa ngục ; nếu được tái sinh làm người thì khó, làm người sung sướng lại càng khó.  Trong sách có kể chuyện một con rùa mù sống dưới đáy biển, mấy trăm năm mới thò đầu lên mặt nước một lần.  Trên mặt biển, có một cái bọng với lỗ hổng ở giữa, trôi dạt theo sóng.  Con rùa trồi đầu lên có dễ trúng vào cái lỗ hổng của bọng không ?  Khó lắm lắm.  Được tái sinh làm người cũng khó như thế. Phật học có danh từ « lục nan » (sáu cái khó).  Đó là : khó gặp Phật ra đời, khó được nghe chánh pháp, khó sinh lòng lành, khó sinh ra nơi đô hội trung tâm, khó được thân người, khó được các căn trọn vẹn dù làm thân người. Phật tử chúng ta đi chùa đều đặn, đã thành một thói quen, đó là một thói quen tốt.  Tuy nhiên, nếu thói quen ấy không kèm thêm sự suy nghĩ về lời Phật dạy, về sự quay vào bên trong để tự xét mình rồi tu tỉnh sửa mình, chuẩn bị cho kiếp sau thì e rằng không kịp.

178178178  Theo chỗ tôi biết thì các tu sĩ Thiên chúa giáo hàng năm có tham dự « cấm phòng » nghĩa là ở riêng trong phòng một thời gian để tĩnh tâm, suy nghĩ về đạo lý, về tư tưởng và hành vi .. của mình.  Đối với Phật giáo thì danh từ « cấm phòng » mang ý nghĩa khác.  Phật học từ điển Đoàn Trung Còn ghi : Hồi xưa, chư tăng phạm  giới thì bị Giáo hội phạt ở luôn trong phòng không được bước chân ra, để ăn năn tội của mình ; bị phạt như vậy trong thời gian ít nhất là sáu ngày.

179179179  Đạo hữu lầm rồi đó.  Năm mới không phải là ngày Phật đản.  Năm mới của chư tăng ni là hoan hỷ nhật nhằm vào ngày rằm tháng bảy âm lịch.  Ngày đó là ngày giải hạ tức là kết thúc khóa hạ, mỗi vị thêm một tuổi đạo.  Còn ngày rằm tháng tư âm lịch là ngày Phật đản, theo lối nói bình dân là ngày Bụt sinh Bụt nở, Bụt sinh năm 623 trước Tây lịch, tịch năm 543 trước Tây lịch. Năm 543 ấy được chọn làm năm 1 của Phật lịch.

180180180   Đạo hữu đọc chú mà không hiểu thì cũng giống như mọi người.  Chú là những câu dài hay ngắn mang tính cách bí mật để giúp người tu học trong nhiều vấn đề như cầu an, đảo bệnh, chống ác thần, cầu vãng sinh, tránh tai ương v.v.. Người ta không dịch các câu chú vì nghĩ rằng âm thanh đã chọn sẽ có một tác dụng nào đó, thâu sức anh linh trong vũ trụ ; nếu đổi âm thanh thì sẽ mất linh ứng.  Nhờ tụng chú mà thâu đủ giáo pháp của Phật. Nhờ tụng chú mà tâm hết tán loạn.  Chú giúp giữ trọn vẹn cái thiện, ngăn cái ác.  Một số câu chú có được dịch nghĩa, thí dụ như chú đại bi « Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha » có nghĩa là : « Qua đi, qua đi, tất cả qua đi, qua mau đi, giác ngộ, viên thành ».   Chữ Phạn Dhàrani phiên âm là đà-la-ni, dịch là chú, thần chú, chân ngôn, tổng trì.  Chữ Phạn Mantra phiên âm là mạn-đà-la, mạn-trà-la, dịch là linh phù tức bùa linh, họa trên giấy hay trên gỗ, có khi vẽ trên hư không.  Linh phù thật lớn gọi là đàn hay đạo tràng. Chữ Phạn Mudrà phiên âm là mẫu-đà-la, dịch là ấn hay pháp ấn. Đó là các dấu hiệu bằng vẻ mặt, tay hay thân để tỏ một ý gì. Chú, bùa, ấn hay thần chú, linh phù, pháp ấn tức là đà-la-ni, mạn-đà-la, mẫu-đà-la gốc từ Mật giáo.  Ba thứ ấy liên kết chặt chẽ với nhau,  gọi là tam mật : thần chú là ngữ mật, linh phù là ý mật, ấn là thân mật. Tiếng Pháp : formules magiques, dessins magiques, gestes magiques.


181181181 </ –  Câu chuyện « mất đầu » là chuyện ở trong kinh Lăng Nghiêm.  Có một anh kia, tên là Diễn-nhã-đạt-đa soi gương thấy đầu mình, đến khi úp gương xuống thì không thấy đầu mình đâu cả.  Anh ta vội ôm đầu, vừa chạy vừa la : « Tôi mất đầu rồi ! ».  Chuyện này cho ta thấy rằng : cái mà anh ta mất chỉ là cái bóng chứ cái đầu thật của anh ta vẫn còn.  Người đời hay bấu víu vào những cái bóng, cái dáng mà quên mất rằng mình có một thứ thực, đó là chân tâm của mình.

182182182   Tôi xin chép hầu quý đạo hữu một đoạn ngắn mà tôi thấy xúc tích và dễ hiểu, trích từ bài của HT Mahasi :  « Trong mỗi sự thấy đều có ba yếu tố là nhãn căn (mắt), nhãn trần (vật được thấy) và nhãn thức (sự biết của mắt).  Khi sự biết của mắt phát sinh thì cảm giác yêu ghét phát sinh, tri giác về vật được thấy phát sinh, sự cố ý thấy cùng sự lưu tâm đến đối tượng phát sinh. Mắt và vật bị thấy là những tập hợp vất chất (sắc uẩn) mà chúng ta chấp lấy và coi là trường cửu, đáng yêu và là sở hữu của ta thực sự.  Cái biết của mắt cùng các cảm giác, tri giác (phản ứng của thọ, tưởng, hành, thức), cũng được chúng ta coi như trường cửu, đáng yêu và là sở hữu của ta.  Tóm lại, mắt và vật bị thấy là những tập hợp của vật chất (Sắc) và sự biết của mắt là tâm (Danh), chỉ có vậy thôi, không có gì khác.  Các hiện tượng tâm-vật lý này sẽ phát sinh mỗi khi ta nhìn, và mỗi tác động nhìn thì sinh ra rồi diệt ngay tức khắc.  Thế mà chúng ta cất giữ và xem là trường cửu bất biến.  Sự chấp giữ và cái nghiệp tạo ra chính là nguyên nhân của tái sinh.  Có tái sinh nên có đau khổ, già, chết.  Nếu không có luyến ái phát sinh thì nghiệp tạo ra bởi sự chấp thủ, ao ước một kiếp sống mới cũng dừng nghỉ. Kết quả là chấm dứt khổ đau, già, chết ».

183183183  Tìm hiểu những câu nói, tiếng hét, gậy đập.. của các thiền sư là một việc rất khó vì những điều ấy dành cho riêng hai thày trò, thày biết trò đã tu đến mực nào, chỉ cần mở một cái nút nào đó là xong.  Thơ văn của các vị thiền sư cũng vậy, ai tu đến một bậc nào đó thì hiểu, người phàm như chúng ta phải nghe giảng thì may ra nắm được chút ít. Xin lấy một thí dụ.  Ngài Pháp Loa hỏi ngài Điều ngự Giác hoàng rằng : « Thế nào là ý của Tổ ở Ấn Độ sang ?  Trả lời : Bánh vẽ ».  Khó hiểu thật.  Khi đu?c nghe giảng rồi thì m?i hiểu rằng : lời giảng dạy gì thì cũng chỉ là bánh vẽ, nghĩa là ăn không thể no được.  Học lời dạy của Phật, của Tổ mà chỉ nghe để đấy thôi thì bản thân chẳng được gì cả, phải quay vào trong mà tìm chân tánh, phải gắng tu hành, thí dụ tu thiền nhằm kiến tánh thành Phật.

184184184  Con người ta có hai thứ tâm : vọng tâmchân tâm.  Vọng tâm là cái tâm lăng xăng bám víu vào các cảnh bên ngoài và cho đó là thật.  Người ta thường nhận cái vọng tâm ấy là cái ta. Chân tâm mới đích thực là có thật.  Đức Phật ví vọng tâm như người khách ngủ trọ, qua đêm đến sáng lại ra đi.  Ông chủ nhà thì lúc nào cũng ở đó.  Người khách ấy ví như vọng tâm.  Ông chủ nhà ví như chân tâm.

185185185  Niêm hoa vi tiếu nghĩa là giơ hoa, mỉm cười.  Đây là nói đến việc truyền tâm ấn ở hội Linh Sơn.  Đức Phật giơ cao cành hoa lên, đại chúng yên lặng, không ai hiểu gì.  Riêng một mình ngài Ca-Diếp rạng rỡ mỉm cười.  Đức Phật nói : « Ta có chánh pháp nhãn tàng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, trao phó cho  Ma-ha Ca-Diếp ».  Từ điển Phật học Hán Việt, quyển 1, trang 1078, chép đại ý như sau: « Nhưng việc này chép ở kinh nào, do ai truyền thuật, các kinh trong Đại tạng đều không thấy nói đến.  Đến đời Tống, Vương An Thạch nói rằng coi thấy việc ấy trong Đại Phạm Vương vấn Phật quyết nghị kinh ».

Ghi chú.  Y bát truyền cho tổ thứ nhất là Ca-Diếp, tổ thứ nhì là A-Nan,… cho đến tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma.  Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Quốc lập ra Thiền Tông, ngài là sơ tổ, truyền đến tổ thứ sáu là Huệ Năng, đến đây hết truyền y bát.

186186 186  Mấy câu « Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng ; Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh ; Nhác trông lên ai khéo họa hình ; Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt  .. » lấy ở trong bài Hương Sơn phong cảnh (Phong cảnh chùa Hương) của Chu Mạnh Trinh.  Theo chỗ tôi biết thì còn một suối Giải Oan nữa ở chân núi Yên Tử.  Tục truyền rằng khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con để đi tu ở núi Yên Tử thì các cung nữ xin đi theo.  Đến chân núi, ngài ra lệnh cho mọi người trở về.  Các cung nữ này không chịu về, tự trầm ở suối cạnh đó.  Suối ấy gọi là suối Giải Oan, gần đó có chùa Giải Oan.

187187187  Đa số chúng ta chọn pháp môn Tịnh độ, niệm Phật cầu vãng sinh Cực lạc, dựa vào 48 lời nguyện của đức Phật A-Di-Đà và kinh A-Di-Đà.  Cứ đơn giản như thế mà làm, đồng thời tu tỉnh cho hết tham, sân, si, thanh tịnh hóa ba nghiệp.   Các thiền sư không quan niệm có một cõi Cực lạc ở nơi xa xôi, mà cho rằng ngay ở trong tâm mình, « tâm tịnh tức độ tịnh ».  Các thiền sư cũng không quan niệm có Phật A-Di-Đà ở Tây Phương mà cho rằng Phật A-Di-Đà chính là Phật tánh có sẵn trong mỗi người, « tự tánh Di Đà ».   Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây Phương.   Di-Đà là tính sáng soi, há phải nhọc tìm về Cực lạc.  Chúng ta không nên ngạc nhiên vì một đằng nhìn về sự, một đằng nhìn về lý.

188188188  Đó là một chuyện có mục đích đề cao pháp môn niệm Phật của Tịnh độ tông.  Chuyện như sau :  Có một nhà sư đau nặng, sắp chết, thần thức xuống âm phủ, thấy nơi điện của Diêm Vương có bàn thờ thiền sư Vĩnh Minh và Diêm Vương thường tới lễ bái.  Hỏi ra thì biết thiền sư Vĩnh Minh công đức tu niệm Phật quá cao nên khi tịch thì về thẳng Tịnh độ thượng phẩm thượng sanh, mà không qua điện của Diêm Vương.  Diêm Vương cảm phục nên lập bàn thờ ngài để lễ bái.  Nhà sư khi tỉnh lại bèn nói chuyện đó. Có điều thắc mắc : thiền sư mà tu Tịnh độ ?  Ngài Vĩnh Minh khuyên : « Có Thiền tông, có Tịnh độ ; Như thêm sừng cho mãnh hổ ; Đời hiện tại làm thày người ; Đời vị lai làm Phật tổ.  Có Thiền tông, không Tịnh độ ; Mười người tu, chín người đổ…Không Thiền tông, có Tịnh độ ; Vạn người tu, vạn người đỗ… ».

189189189   Đại Phạm Thiên Vương hay Phạm Thiên Vương hay Phạm Vương (sanskrit : Brahma) là chúa tể Ta-bà thế giới. Đó là theo quan niệm của đạo Phật.  Nhiều khi người ta gọi ngắn là Phạm Thiên, nếu chúng ta không chú ý thì có thể bị lầm lẫn, vậy phải theo mạch văn mà hiểu theo một trong ba nghĩa như sau :  1/ Phạm Thiên là Phạm thiên vương nói ngắn.  2/ Phạm thiên là bốn cõi trời của miền Sơ Thiền cõi Sắc giới (Phạm thân thiên, Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên, Đại Phạm thiên).  3/ Chư Thiên sống trong bốn cõi trời vừa nói. (theo Từ điển Đoàn Trung Còn).   Theo đạo Bà-la-môn (Brahmanisme) thì Brahma là đấng Tạo Hóa.  Kinh điển của đạo Bà-la-môn viết bằng sanskrit cho nên chữ sanskrit gọi là chữ Phạm, nói chệch thành Phạn. Brahmà : un des principaux dieux du panthéon hindou, premier créé et créateur de toute chose.  Il est souvent représenté avec quatre bras et quatre têtes qui symbolisent son omniscience et son omniprésence (từ điển Larousse). Phạm là một từ ngữ dùng nhiều trong đạo Phật.  Ngoài cái nghĩa là chữ sanskrit, nó có nghĩa là thanh tịnh, thí dụ : phạm hạnh.   The Sanskrit Canon là Tam Tạng viết bằng chữ Phạn, do Bắc tông dùng ; the Pali Canon làTam Tạng viết bằng chữ Pali, do Nam tông dùng. 

200200200  « Lưới Đế châu ví đạo tràng, Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời.. ».  Lưới Đế châu nghĩa là gì ? Đế là Đế Thích, châu là châu ngọc.  Đế châu nghĩa đen là châu ngọc của Đế Thích.  Muốn hiểu kỹ thì coi chi tiết như sau :  Đế Thích là vua cõi trời Đao-Lỵ, ở thành Hỷ Kiến trên đỉnh núi Tu-di.  Đế võng là lưới chăng ở cung điện của vua Đế Thích.  Lưới ấy làm bằng châu ngọc đan xen chồng chéo vào nhau, trùng trùng vô tận.  Các viên ngọc châu hạt nọ chiếu sáng vào hạt kia, chiếu đi chiếu lại, trùng trùng vô tận.  Những hình ảnh ấy dùng để nói lên lý trùng trùng duyên khởi là một lý quan trọng bậc nhất của đạo Phật.  [Đế Thích còn gọi là Thích-đề-hoàn-nhân, gọi cho đủ là Thích-ca-đề-bà-nhân-đà-la, do phiên âm từ chữ Sakra devànàm Indra].

_______________________________________________________