Cuộc Chiến Vô Định Vẫn Tiếp Tục


                                      “Whether a person is prochoice or anti-choice,
                                                all people agree that less abortions are good.”

                                                                                 ——-ShanePendergrass

Đào Viên

Cách đây không lâu, Bác sĩ Mila Means – bà bác sĩ định mở một bệnh viện phá thai tại thành phố Wichita. tiểu bang Kansas – nhận được một bức thư nặc danh, khuyên bà mỗi sáng trước khi đi làm hãy nên nhìn xuống gầm xe. Bức thư viết: “bởi vì rất có thể ngày hôm nay, có người sẽ đặt chất nổ dưới gầm xe của bà”

Bác sĩ Mila Means

Câu chuyện quả thật đáng ngại: Mấy năm trước đây, cũng tại thành phố này, vị bác sĩ cuối cùng hành nghề phá thai ở đây đã bị bắn chết chỉ vì đã hành nghề ấy: Đúng là “Sinh ư Nghệ Tử ư Nghiệp”. Nhưng đối với bác sĩ Means, bà không ngán chút nào. Thay vì cẩn thận kín đáo che dấu hành tung, bà Means đã công khai ra mặt cho mọi người trông thấy. Bà mua ngay một chiếc xe hơi Mini-Cooper mầu vàng chói để đi lại.

Bà giải thích: “Đây là một phần câu trả lời của tôi. Muốn tìm tôi hả? thì tôi đây

Ngày 31 tháng 5, 2009, ba năm trước, bác sĩ George R, Tiller trong khi ở trong nhà thờ Reformation Lutheran, đang lúi húi thu xếp bánh ngọt và cà phê  để mọi người bổn đạo tiêu dùng thì bị một người đến đằng sau, rút súng bắn một phát ngay ót. Đương sự ngã sấp xuống, chết ngay tức khắc, tại chỗ, trong khi hung thủ chạy gấp ra xe, phóng xe chạy mất, mặc dầu bị hai người dơ tay ngăn cản. (xin xem bài  )

Bác sĩ George Tiller, nạn nhân

Bác sĩ Tiller là vị bác sĩ độc nhất hành nghề phá thai. Ông giúp ngay cả những người sản phụ muốn phá thai nhi đã khá trễ. Bởi vậy, hung thủ – một người tên là Roeder – trong khi dơ súng lên dọa mọi người, chạy nhanh ra khỏi nhà thờ đã la lên rằng:” phải giết hắn để hắn không còn giết em bé nữa”.

Kể từ ngày ấy, những người ủng hộ phá thai – gọi là “pro-choice” – đã nuôi hy vọng sẽ có một vị bác sĩ khác đến Wichita tiếp tục hành nghề phá thai thay thế bác sĩ Tiller, để chứng tỏ là thủ đoạn cưỡng bức hung bạo không thể ngăn cấm phá thai được. Họ đã cố gắng gây qũy để mở phòng mạch trong khi chờ đợi có một vị bác sĩ nào đó bằng lòng đền hành nghề ở đây, dù có phải mặc áo giáp hay lái xe thiết giáp để đi làm ở một thành phố nhỏ bé này.

Tuy nhiên, việc bác sĩ Tiller bị giết quả có làm cho nhiều người ngán sợ. Nhóm người chống đối phá thai – gọi là “pro-life” hay anti-choice – kể cả những người đả kích kẻ giết người, đã tỏ ý vui mừng khi không thấy ai đến mở phòng mạch phá thai hết.

Ông Troy Newman, chủ tịch Tổ chức chống phá thai “Operation Rescue” ở ngay Wichita tuyên bố nhóm chống phá thai sẽ cương quyết ngăn chặn không cho một bệnh viện phá thai nào mở tại thành phố này. Ông nói trước, nhóm của ông sẽ tổ chức một sự chống đối mạnh mẽ “chưa ai bao giờ tưởng tượng ra được”.

Đức Chúa Trời sai người đến bắn chết hắn?

Ông nói: “Chúng tôi sẽ giữ cho cộng đồng này không có chuyện phá thai”.

***

Kansas là một tiểu bang nhỏ, miền Trung-Tây nước Mỹ, với một dân số chỉ khoảng hơn 3 triệu người, Tiểu bang này phát triển chậm nhất so với các tiểu bang khác, về phương diện kinh tế cũng như xã hội. Thủ đô là Kansas City ngay sát biên giới với Missouri. Wichita là thành phố lớn nhất của Kansas cả về đất đai lẫn dân số (lối 600.000 người).

Kansas, ngay từ sau cuộc nội chiến Hoa Kỳ, đã là thành trì của đảng Cộng Hòa thủ cựu. Kể từ năm 1932, tiểu bang này chưa bao giờ cử một thượng nghị sĩ Dân chủ nào vào Quốc hội Hoa kỳ. Thống đốc tiểu bang hiện nay là ông Sam Brownback là người đã được đưa ra để làm ứng cử viên Cộng Hòa tranh cử Tổng Thống (năm 2008, sau đó ông đã phải nhường bước cho ông John  McCain). Ngành lập pháp của Kansas cũng ở trong tay đảng Cộng Hoà.

Về phương diện xã hội, đảng Cộng hòa chống phá thai, đảng Dân chủ cởi mở hơn có xu hướng ủng hộ phá thai. . Mười năm trước, tiểu bang Kansas đã có tới 15 cơ sở hành nghề phá thai. Năm 2009, khi ông bác sĩ Tiller độc nhất và cuối cùng ở Wichita bị một người chống phá thai cực đoan bắn chết, thi Kansas chỉ còn có 3 cơ sở phục vụ phụ nữ muốn phá thai cho toàn tiểu bang. Tất cả đều ở Kansas City.

Ông Sam Brownback Thống đốc Kansas

Ngay sau khi ông Sam Brownback tái nhiệm chức Thống Đốc Kansas, một ủy ban của chính quyền Kansas được thiết lập để soạn thảo những văn kiện quy định luật lệ cho những cơ sở hành nghề phá thai nhằm mục đích giới hạn hoạt đông của các cơ sở này. Những quy định này đặt ra những tiêu chuẩn khắt khe hơn, từ kích thước những phòng dùng vào việc phá thai – tối thiểu phải có diện tích 150 anh bộ vuông, không kể giường tủ, nhiệt độ trong phòng phải giữ từ 68 đến 73 độ F – số lượng dự trữ thuốc thang, số lượng dụng cụ cho phòng cứu cấp, số lượng máu tồn trữ, cho đến thỏa hiệp liên lạc phải có với những bệnh viện, vân vân…

Những nhân viên trong ủy ban đều là người thuộc đảng Cộng hòa. Hơn nữa, ủy ban làm việc âm thầm cho đến tháng 6, 2011. Ngay sau đó họ đua những dự luật để quốc hội tiểu bang nhanh chóng chuẩn y và ban hành. Ngày thực thi là tháng 7, 2011, đã làm cho nhiều bệnh viện, nhiều cơ sở y tế không kịp chuẩn bị sửa chữa cơ sở cho phù hợp với tiêu chuẩn mới đề ra.

Hầu như cả ba cơ sở phục vụ cho phụ nữ muốn phá thai còn lại – Aid for Women in Kansas City, Center for Women’s Health in Overland Park, và Planned Parenthood of Kansas and Mid-Missouri- sẽ không được cấp giấy phép hành nghề và sẽ bị đóng cửa.Tất cả ba cơ sở này đều đặt tai Kansas City, thủ đô của tiểu bang. Như vậy Kansas sẽ là tiểu bang duy nhất không có cơ sở giúp cho phụ nữ muốn phá thai.

Những nhóm chống phá thai, như nhóm “Kansas For Life” của ông David Gittrich, bênh vực chính quyền Kansas, cho rằng: “Chính phủ có quyền ra những biện pháp nào đó để bảo đảm an toàn cho người dân

Dường như chính phủ của ông Thống đốc Cộng hòa Sam Brownback – một người chống phá thai – không muốn tiểu bang mình bị mang tiếng là không cấp giấy phép hành nghề cho một cơ sở phá thai nào, cho nên sau khi tái khám xét lại một lần nữa, đã cấp giấy phép hành nghề cho cơ sở lớn nhất của tiểu bang. Hai cơ sở kia phải đóng cửa vì không đạt tiêu chuẩn đưa ra. Như vậy, toàn thể nước Hoa kỳ, chỉ có 3 tiểu bang là Kansas, South Dakota và Mississipi, mỗi nơi chỉ có một cơ sở hành nghề phá thai duy nhất cho toàn tiểu bang

Cơ quan đưộc cấp giấy phép là tổ chức “Planned Parenthood of Kansas and Mid-Missouri”.

Ông Petr B. Brownlie, chủ tịch tổ chức này nói rằng: “Mặc dầu chính quyền đã ưa ra những luật lệ rườm rà và không cần thiết, việc chúng tôi được cấp giấy phép hoạt động chứng tỏ tổ chức Planned Parenthood chúng tôi hoạt động rất đứng đắn, đạt được những tiêu chuẩn rất cao bảo vệ bệnh nhân với những phương thức an toàn tối đa.”

***

Ông Scott Roeder, hung thủ

Trở về với Wichita, thành phố lớn nhất của tiểu bang Kansas. Kể từ ngày bác sĩ Tiller bị Roeder bắn chết, trước sự cổ võ của nhóm chống đối phá thai, nhiều người không muốn phải mặc áo giáp đi làm.

Ông Peter B. Brownlie, chủ tịch tổ chức ủng hộ phá thai “Planned Parenthood of Kansas and Mid-Missouri”, mới được giấy phép của tiểu bang, muốn mở  một bệnh viện phá thai tại Wichita, sau nhiều tháng, đã phải hủy bỏ chương trình này, vì ông không tìm ra một vị bác sĩ nào dám đứng ra lãnh trách nhiệm phải đương đầu với những chống đối gay gắt của nhóm chống phá thai.

Cho đến khi có một bà bác sĩ chẳng mấy ai biết đến quyết định bước vào.

Trường hợp bác sĩ Means có khác thường. Bà không phải là một bác sĩ được nhiều người biết đến. Bà làm một mình, không vào một tổ hợp y tế nào. Số bệnh nhân đến với bà nhiều khi không đủ để lấy lại vốn bỏ ra. Bà có thể là vị bác sĩ nghèo nhất của tiểu bang. Đôi khi thẻ tín dụng của bà không đủ tiền bảo chứng, Ngân phiếu bà ký tên cho mọi người cũng vậy. Người nhận không lấy được tiền ra. Một số người đã phải đưa bà ra tòa.

Biểu tình thị uy

Bà đã thấy rằng hành nghề phá thai là phương thức dễ dàng nhất cho bà tiếp tục mở phòng mạch. Nhu cầu phá thai, ở đây cũng giống như ở các nơi khác, bao giờ cũng có. Vả lại địa điểm gần nhất để phụ nữ có thể phá thai được lại cách Wichita 3 giờ lái xe. Bởi thế số phụ nữ sống trong vùng Wichita được phá thai giảm đi rất nhiều.

Bà Mila Means sinh trưởng và lớn lên tại Wichita. Ngay từ hồi còn nhỏ, hai mươi năm trước, bà đã chứng kiến phong trào chống phá thai, gọi là “Summer of Mercy”, trong đó cả ngàn người kéo nhau đến ngăn chặn lối vào nhiều phòng mạch, bệnh viện. Rồi bà đã thấy những khó khăn chồng chất bác sĩ Tiller đã gặp phải, từ biểu tình đến kiện cáo đưa ông ra tòa. Những người này đã thành công bắt mấy bệnh viện khác phải đóng cửa. Đối với bác sĩ Tiller, họ đã đưa đến cái chết của ông ta.

Trước khi trở thành một bác sĩ y khoa, mặc dầu trong thâm tâm, bà ủng hộ những người đàn bà cần phá thai, bà đi nhà thờ đều đặn, dạy những thiếu niên nam nử phải biết tiết dục, và ca ngợi đời sống trinh bạch. Bà còn nhớ bố bà khi cho con gái vào trường ở nội trú đã răn đe bà rằng, cấm không được chửa hoang và nếu có, bà phải phá cái thai ấy đi.

Sau này bà đã hoàn toàn đổi ngược, không đi nhà thờ đều đặn như trước nữa, khoan dung hơn trong vấn đề nam nữ luyến ái và ủng hộ ngừa thai cũng như là phá thai, ít ra trong hai trường hợp: hiếp dâm và loạn luân

Thế là bà Means đã dấn thân. Bà mua lại dụng cụ đồ đạc của văn phòng bác sĩ Tiller (đã đóng cửa) với giá $20,000. Bà đến Kansas City, tìm đến một bệnh viện ở đó người ta đã rất đồng ý với bà là phải có một bệnh viện giúp người đàn bà phá thai tại Wichita. Tại đây, bà được người ta huấn luyện miễn phí phương cách phá thai.

Lần đầu tiên bà đến phòng mạch mới, bà đã thấy nhiều người phản đối phá thai tu tập trước cửa, yêu cầu bà đừng phá thai. Lần thứ hai, họ bắt đầu la ó và có người đã la lên rằng: “Này, từ nay bà sẽ không bao giờ thụ thai được nữa đâu”. Họ bắt đầu điều tra hành vi quá khứ của bà và hằng ngày tu tập trước tư gia cũng như phòng mạch.

Ông Mục sư mang Thánh kinh ra rao giảng

Ông Mark Holick, mục sư tin lành của nhà thờ Spirit One Christian Ministry, bắt đầu đứng ra phát những truyền đon trên đó viết rõ tên tuổi, địa chỉ nhà riêng của bà, mô tả bà như là một người đang “nhận tiền dính máu để sát hại trẻ sơ sinh”.

Trong số những truyền đơn này, có một cái đang bức thư khuyên bà bà mỗi sáng trước khi đi làm hãy nên nhìn xuống gầm xe. Bức thư viết: “bởi vì rất có thể ngày hôm nay, có người sẽ đặt chất nổ dưới gầm xe của bà”. Người viết bức thư này là một cô nhạc sĩ hay viết và hát nhạc nhà thờ. Cô này rất thân với Scott Roeder, tên thủ phạm đã bắn chết bác sĩ Tiller, hiện đang nằm trong tù.

Nhóm người chống phá thai lại dùng cả mạng lưới Internet để lôi đời tư của bà Mila Means ra cho mọi người biết và nói xấu bà, từ chuyện bà bị khó khăn tiền bạc đến chuyện gia đình lủng củng, có chồng đồng tính luyến ái v.v…

Chiến dịch này đã gây tai hại cho bà bác sĩ không ít. Lối 100 bệnh nhân của bà đã chạy sang phòng mạch bác sĩ khác. Một người đã từng quen biết bà Means – bà Susan Lear – đã tiết lộ cho báo chí biết là trong một cuộc nói chuyện với bà Means, bà bác sĩ đã giải thích tại sao bà hành nghề phá thai, Bà Lear kết luận là: “Bà Means đã tự cho mình cái sứ mệnh ấy, vậy thì bà ấy phải biết những gì sẽ xẩy ra cho mình. Tôi đã bảo bà ta là: Chị đã tự lấy cho chị một chọn lựa cô độc chưa từng ai có

Tháng trước, công việc của bà bác sĩ Means, vì nhiều lý do, đã đột nhiên phải đình chỉ, sau khi bà đã giúp cho khoảng 50 người đàn bà đến phá thai.

Đầu tiên là người chủ đất đã đưa bà ra tòa để không cho bà phá thai tại phòng mạch đang thuê. Bà cũng không kiếm đâu ra chỗ khác để thuê làm phòng mạch. Mua hay xây cất một phòng mạch mới thì quá tốn kém, phải tới một triệu đô la. Bà tìm cách gây quỹ cho việc này thì cũng không dễ dàng gì.

Đối trước chính sách của chính quyền tiểu bang Kansas đưa ra những luật lệ mới khắt khe nhằm giới hạn cộng việc phá thai, và những chống đối cũa nhóm chống phá thai, bà Means nghĩ rằng bà sẽ phải mất từ 12 đến 18 tháng sau bà mới có thể tiếp tục hành nghề phá thai trở lại được.

Bác sĩ Means (bên phải) không nản chí

Bà bác sĩ Means cho biết là bà sẽ không nản chí. Nhiều người đàn bà muốn phá thai đã gọi bà để được giúp đỡ. Mặc dầu hành nghề để kiếm ra tiền đang rất khó khăn, bà vẫn kiên trì chủ trương rằng phụ nữ phải được dễ dàng phá thai, nếu muốn, ngay tại nơi đang ở.

***

Phá thai là một sự kiện có tự ngàn xưa, xẩy ra tại bất cứ nước nào trên thế giới. Bất đồng ý kiến trong việc được phá thai hay không được phá thai cũng xẩy ra tại bất cứ đâu. Nhưng không ở nơi nào đã lại đưa đến một mối chia rẽ trầm trọng giữa người dân trong nước, đưa đến những vụ giết nhau như tại Hoa Kỳ,. Những tranh chấp bất đồng ý kiến trong vấn đề này, ở mọi nơi ngoài Hoa Kỳ, được người ta giữ trong tình hòa khí, hay ít ra là trong vòng trật tự, Tại sao điều đó lại không thể sẩy ra ở Hoa Kỳ được?

Nhìn một cách phiến diện, người ta đã thấy ngay một sự khác biệt là Hoa Kỳ đã chọn con đường Chính Trị hóa vấn đề. Được phá thai (pro-choice) hay không được phá thai (pro-life) trở thành đối nghịch trên chiến tuyến giữa một bên là phe cấp tiến, đại diện bởi đảng Dân Chủ và một bên là phe bảo thủ đại diện bởi đảng Cộng Hòa.

Tất cả thế giới – có lẽ ngoại trừ Nam Phi – người ta nhìn vấn đề ấy là một vấn đề Y Tế, Xã Hội, liên quan đến sức khoẻ của người dân. Người ta không thấy đó là một quyền hạn, hay ngược lại, như phe chống đối cả quyết, là một tội ác, mà là một mối thương tâm của xã hội. Ðể giải quyết vấn đề, người ta đặt ra luật lệ (legislation) trong tinh thần cứu trợ, tương thân tương ái, nhằm mục đích giảm bớt nguy hiểm đớn đau cho kẻ đau khổ, thay vì đặt ra luật pháp (legalisation) trong tinh thần phân định phải trái, để bênh vực điều hợp pháp và trừng trị điều bất hợp pháp.

Nhìn sâu hơn cái vỏ chính trị của vấn đề, người ta còn có thể thấy cái ý thức hệ sâu rộng của Tôn Giáo. Theo một cuộc thăm dò mới đây nhất (Pew Global Attitudes), gần 60% người Hoa Kỳ rất trọng tôn giáo, khi trả lời là tôn giáo đóng một vai trò “rất quan trọng” trong đời sống của họ. Ðiều này khác hẳn với dân các nước khác, gần như Canada xa như Âu Châu hay Nhật bản (chỉ koảng 30% hay ít hơn),.

Thái độ của tôn giáo Tây phương – nói rõ ra là Thiên Chúa giáo – rất thủ cựu đối với vấn đề tình dục. Tôn giáo này không có mấy thiện cảm với quan hệ tiền hôn hậu thú là vì giáo điều tôn giáo nhiều hơn là vì nhu cầu luân lý. Tôn giáo này lại phản đối cả sự ngừa thai, cho nên lại càng không thể tha thứ cái hậu quả vô trách nhiệm là phá thai. Với một đa số dân chúng rất trọng tôn giáo, làm sao số dân còn lại, nhất là thành phần phụ nữ – thành phần vẫn có một thái độ phóng khoáng hơn, bao dung hơn, cởi mở hơn đối với vấn đề phá thai – lại không khỏi phải chịu những áp lực nặng nề, gợi lại những hình ảnh ghê rợn của những vụ phá thai lậu, trong những ngõ hẹp tăm tối với những sợi giây thép móc quần áo.

Tôn giáo ở Hoa kỳ được cơ chế hóa, trở thành những tập đoàn chính trị, những lực lượng lớn mạnh trong mọi lãnh vực, từ truyền thông, kinh tế tài chánh cho đến tất nhiên chánh trị. Thế nhưng áp lực càng mạnh bao nhiêu thì phản ứng lại mạnh bấy nhiêu. Chính vì những áp lực mạnh mẽ của tôn giáo ở Hoa Kỳ và những phản ứng ngược lại không kém mãnh liệt mà Hoa kỳ đã bị đưa đẩy vào con đường chính trị hóa  vấn đề, hiến định hóa một quyết định, một chọn lựa chẳng ai thích thú gì.

Thái độ thiếu bao dung, thiếu cởi mở của Tôn giáo ở Hoa Kỳ, của người dân cũng như của tập đoàn lãnh đạo chính trị (đảng Cộng Hòa bảo thủ) đã đưa xã hội này vào một cuộc chiến – một cuộc nội chiến – trầm trọng, vô định, không thấy có lối thoát.

Thanh Giáo đồ (Puritans) tới lục địa Mỹ châu

Những nước Tây Âu như Pháp, Anh, Y, Thụy sĩ cũng có tôn giáo chính là Thiên Chúa giáo, nhưng tại sao ở tại đó, Nhà thờ Âu châu lại bao dung và cởi mở hơn nhà thờ Hoa kỳ về vấn đề tình dục? Sự khác biệt này có lẻ bắt nguồn từ rất lâu, khi những người Thanh Giáo đồ (Puritans) Âu châu – những người theo Thiên Chúa giáo, nhưng rất mộ đạo – đên lập nghiệp tại xứ sở này – xứ sở của người Da Đỏ – để rồi lập nên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Truyền thống và tín ngưỡng bất bao dung trong vấn đề tình dục đã trở nên một vấn đề căn bản (fundamentals) trong tiềm thức Hoa kỳ.

Một yếu tố đáng chú ý là tinh thần rạch ròi trong những vấn đề căn bản của người Hoa Kỳ, họ ít có thể nhân nhượng nhau trong những vấn đề căn bản, sẵn sàng tranh đấu dành phần thắng về mình trong những vấn đề đó. Những vấn đề căn bản đưa đến những tranh đấu, cãi vã,  đưa đến thương vong hay tử vong trong xã hội mà người Hoa kỳ đã phải trải qua là vấn đề Nô Lệ (slavery) từ thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, vấn đề Kỳ thị Da Mầu vào những năm 60, rồi đến bây giờ là vấn đề giới hạn tình dục và phá thai.

Những sự tranh đấu trên những vấn đề căn bản đó đã dần dà đưa xã hội Hoa Kỳ đến hai nhóm bất khoan nhượng để rồi hình thành ra hai tập đoàn chính trị, hai đàng Cộng Hòa va Dân Chủ

Biểu tình, tuền hành, khẩu hiệu ủng hộ, chống đối

Kể từ năm 1973, hiến định Roe  v Wade đã giải phóng rất nhiều phụ nữ Hoa kỳ, nhưng cũng đã đưa xã hội vào một cuộc tranh luận cực đoan. Hàng năm cứ vào ngày 22 tháng Giêng, đôi bên lại kỷ niệm ngày này với biểu ngữ, tuần hành thị uy, hô hào khẩu hiệu chống đối nhau.

Tương lai sẽ ra sao? Tuơng lai xa thì không đoán được, nhưng chắc chắn rằng ngày 22 tháng Giêng năm tới, những cuộc biểu tình, tuần hành thị uy, khẩu hiệu hô hào sẽ không giảm bớt chút nào.

Ngày nay, tại Kansas, một tiểu bang nhỏ của Hoa Kỳ, cuộc chiến vô định không lối thoát vẫn tiếp tục.

____________________________________________________

Tháng 10, 2012

Leave a comment