Kỷ Niệm Thời Thơ Ấu (III)


Những Dịp Du Lịch Hiếm Hoi

  1.     Ra sông! Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông
    Biết đời viển vông, biết ta hãi hùng
  2.                                            —- Phạm Duy
 

Người Việt Nam, thời trước, bản chất là dân chỉ quanh quẩn ở nhà, người nhà quê ít khi ra khỏi lũy tre xanh bao bọc xung quanh làng, người tỉnh thành củng chẳng mấy khi đi đâu.. Đó cũng là đặc điểm của xã hội nông nghiệp. Người Pháp có từ “esprit de l’escalier” rất ấn tượng để tả những người như người Việt Nam.

Thầy tôi, mặc dầu đã ra khỏi “lũy tre làng” nhưng chưa dứt bỏ được cái tinh thần ấy.  Tôi chỉ thấy Thầy tôi tổ chức cho cả nhà đi du lịch hai lần. Một lần đi chơi Chùa Hương và một lần đi Lạng Sơn, một vùng cao nguyên gần biên giới Hoa-Việt.

Đi chơi Chùa Hương.

 Lần đi chùa Hương ấy, xẩy ra đã trên bẩy chục năm, khi ấy tôi chỉ độ bẩy tám tuổi. Chùa Hương thuộc tỉnh Phủ Lý mà tỉnh này cũng là quê hương của một ông bác họ là Lê Kiêm Thu. Bởi vậy, kỳ đi chơi này được tổ chức đi cùng với gia đình bác Thu. Hai gia đình chúng tôi đã phải lấy xe lửa từ Hà Nội đi Phủ Lý. Về đến Phủ Lý thì trời đã về chiều. Từ đó chúng tôi đã phải lấy xe hơi (xe buýt) đi tới một bến đò, dường như có tên là bến Đục, để lấy thuyên (đò) đi vào chùa Hương.

Đi thuyền vào Chùa Hương

Đi thuyền vào Chùa Hương

Có lẽ chúng tôi đã đi vào ngày hành hương, nên có rất nhiều khách thập phương đi chảy hội chùa, Xe lửa đã rất đông, xe hơi lại chật cứng, xuống đến thuyền lại càng đông hơn. Cái thú vị của cuộc đi du lịch không những là ở chỗ được đến một nơi xa lạ không quen thuộc, mà còn là được chen vai thích cánh vời nhiều du khách không hề quen biết, nhưng cùng có một niềm cảm súc, cùng hướng về một phía, sẵn sàng chia sẻ cái cảm giác thích thú của mình đến người bạn đồng hành. Cảm giác này, tôi chỉ thấy lại nhiều năm sau, khi đến công trường San Marco tại thành phố lập lờ trên mặt nước Venitzia (Venise) nước Ý Đại Lợi.

Thuyền chúng tôi đi là một trong rất nhiều thuyền gỗ, dài khoảng hai ba chục thước, chở khoảng năm sáu chục người. Khi chúng tôi xuống thuyền thì trời đã về khuya và đã có nhiều hành khách trong đó. Dưới ánh sáng yếu ớt của ngọn đèn dầu hỏa, gia đình tôi được dọn một chỗ để nằm nghỉ ngơi. Tiếng người nói lao xao, sóng nước đánh vào mạn thuyền lập lờ làm con thuyền tròng trành, tiếng tụng kinh đều đều của mấy bà đi chẩy hội chùa đã đưa tôi vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng, thuyền vẫn còn lướt trên mặt nước êm đềm của con sông dẫn vào chùa Hương. Sông không lớn lắm, vì tôi thấy nhiều thuyền được kéo đi bằng dây, bời mấy người phu thuyền kéo trên bờ sông, thay vì chèo bằng bơi chèo hay đẩy bằng sào. Cảnh tượng vào chùa Hương bằng thuyền vui làm sao. Nhiều thuyền lớn nhỏ đi lại trên con sông phẳng lặng, ít sóng, khí trời mát mẻ, tiếng sóng rì rào, tiếng người lái đò cất tiếng hát nhửng bài ca dao nhịp nhàng cho quên nỗi nhọc nhằn, lẫn với tiếng tụng kinh đều đều của khách thập phuơng đi trẩy hội chùa, đã tạo nên một phong cảnh hữu tình, một niềm vui khó tả.

Khách thập phương vào Chùa

Khách thập phương vào Chùa

Đến trưa hôm ấy, chúng tôi lên bờ để đi vào chùa. Chùa Hương tọa lạc trên một ngọn núi, không phải chỉ có một cơ sở. Tôi không nhớ rõ chùa ở bao nhiêu nơi, mà chỉ nhớ có Chùa Trong, Chùa Ngoài, có hang dẫn đường lên Trời, có hang dẫn lối xuống Địa Ngục, tóm lại có nhiều nơi để đi lắm. Đường đi là những lối đi nhỏ hẹp nhưng đông vô tả. Dọc đường nhiều người bày bán đủ thứ hương hoa đèn nhang để cúng Phật. Lại có bán nhiều đồ kỷ niệm lặt vặt. Vì đường đất hơi khó đi, mọi người chúng tôi đều phải có một cái gậy để chống, phòng khi bị ngã. Tôi theo Thầy Mẹ tôi nhập vào đoàn người lên chùa, rồi vào chùa thắp nhang cúng Phật.

Vào chùa, Mẹ tôi chỉ cho tôi xem tượng các vị Phật, các vị Bồ Tát mà tôi thấy mường tượng như nhau. Riêng có một chỗ đã để lại nhiều ấn tượng nhất trong đầu tôi, đó là tượng và hình vẽ nói về cảnh dưới Âm Ty Địa Ngục. Mẹ tôi đã giải thích là người ta khi chết đi sẽ được Quỷ Vô Thường dẫn xuống Âm Ty Địa Ngục để Diêm Vương – vị vua dưới Âm Ty – để cứu xét. Nếu thấy trong sổ ghi đó là người tốt, không có lỗi gì, thì Diêm Vương sẽ cho dẫn ngược trở lai, cho đầu thai làm người. Ngược lại lúc sinh thời nếu người chết đã làm nhiều tội lỗi, nhẹ như ăn gian nói dối, nặng như cướp của giết người, bất hiếu với cha mẹ thì sẽ bị Quỷ Sứ hành hạ.

Quang cảnh A Tỳ Địa Ngục

Quang cảnh A Tỳ Địa Ngục

Chỗ này diễn tả mấy cảnh dưới Âm Ty Địa Ngục. Nào là một người có tội phải đi qua một cái cầu có cho ngao nhe răng sắp cắn, dưới cầu lạ có lửa cháy dữ dội. Nào là quang cảnh những người bị quỷ sứ dùng kìm kéo lưỡi ra để cắt. Mẹ tôi bảo tôi là nếu lúc sinh thời hay ăn gian nói dối thì khi chết sẽ bị hình phạt như vậy. Nào là cảnh những người bị Quỷ Sứ mổ bụng, hoặc đẩy vào vạc dầu đang sôi sục. Đó là hình phạt dành cho những kẻ cướp của giết người. Lại có chổ những người bị bỏ vào chỗ nhơ bẩn để bị rắn rết cắn. Mẹ tôi nói đó là những người ăn ở bất hiếu với cha mẹ, bạc ác với mọi người. Còn nhiều cảnh tượng ghê rợn khác nữa, tất cả đều làm bằng đất nung, được tô mầu sặc sỡ trông như thật. Sau này tôi mới biết dó là cảnh tượng phỏng theo chuyện đức Mục Kiền Liên, đi xuống Địa Ngục để tìm mẹ là bả Thanh Đề, đã bị dẫn xuống đó sau khi chết, vì đã làm nhiều tội lỗi lúc sinh thời.

Trong khi đi chùa Hương tôi thấy có một giống sâu ở miền núi rất khác lạ, không thấy ở đâu khác. Những con sâu này thuộc loại bò sát, có rất nhiều chân giống như con cuốn chiếu, nhưng lớn hơn nhiều. Mình chúng to bằng ngón tay cái, có nhiều khúc  mầu đỏ sẫm bóng loáng. Chúng bò rất chậm, rất hiền lành không như con rết. Mỗi khi có ai đụng tới, chúng cuộn lại trông như một hòn bi thủy tinh lớn mầu đỏ, để rồi lăn đi nơi khác.

Con cuốn chiếu Chùa Hương

Con cuốn chiếu Chùa Hương

Chùa Hương là một danh lam thắng cảnh của nước ta và đã được nhạc sĩ Hoàng Quý(1) (1920-1946) ghi lại trong một bản nhạc rất hay rất nổi tiếng một thời.  Đó là bài “Chùa Hương”.

         Thuyền bơi lướt trên sóng xanh biết bao êm đềm.
Con thuyền đưa tôi đến nơi thần tiên.
Chùa Hương với đồi núi cao biết bao êm đềm.
Phút mơ màng quên hết ưu phiền.  
 
   

Không những thế thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp(2) cũng đã để lại cho đời bài thơ bất hủ:  “Em đi Chùa Hương”.

         Hôm nay đi chùa Hương.
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy .
Em vấn đầu soi gương.
Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
Lưng đeo dải yếm đào;
Quần lĩnh, áo the mới ;
Tay cầm nón quai thao .

 Bài này cũng được nhạc sĩ Trung Đức  phổ nhạc và được nhiều ca sĩ nổi danh trình bầy nhiều lần sau này.Hai bài này đã diễn tả được cái cảnh nên thơ, cái không khí êm đềm thanh tịnh cảnh chùa và lột được niềm cảm súc của khánh hành hương đi trên thuyền vào chùa thắng cảnh.

Đi chơi Lạng Sơn

 Cuộc đi chơi lên Lạng Sơn không được thoải mái êm ả như đi chùa Hương. Cùng với Hà Giang, Cao bằng, Lạng Sơn là một tỉnh miền thượng du Bắc Việt và là tỉnh địa đầu biên giới giáp nuớc Trung Hoa, cũng gọi là nước Tầu. Tại đó đã chứng kiến nhiền biến cố oanh liệt của lịch sử nước ta. Nhiều lần trong lịch sử nước ta, quân Tầu đã tràn sang qua ngả Lạng Sơn và nhiều lần quân Việt Nam đã đuổi quân Tầu về nước cũng qua lối này. Cũng tại đây năm 1949, quân Pháp đã bí tấn công, thiệt hại năng nề và bỏ chạy, mở đầu cho một giai đoạn mới trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Cầu Kỳ Lừa trên sông Kỳ Cùng

Cầu Kỳ Lừa trên sông Kỳ Cùng

Lạng sơn có hai thành phố chính là Đồng Đăng và Kỳ Lừa. Ca dao đã có câu thơ:

            Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
            Có nàng Tô thị có chùa Tam thanh
            Ai lên xứ Lạng cùng anh
            Hỏi thăm bác mẹ sinh thành ra em
            Tay cầm bầu rượu nắm nem
            Mải vui quên hết lời em dặn dò

 Thầy tôi có quen một gia đình làm ăn ở Lạng Sơn (Kỳ Lừa). Người này tên là anh Thuộc thỉnh thoảng về Hà Nội có việc và hay đến thăm Thầy tôi. Tôi thấy anh Thuộc vẫn gọi Thầy tôi là ông Tư. Chúng tôi vẫn gọi anh ấy là anh Thuộc. Không biết anh Thuộc đã quảng cáo tỉnh Lạng Sơn thế nào mà Thầy tôi đã bằng lòng đem cả nhà lên Lạng Sơn chơi nửa tháng vào dịp hè.

Từ Hà Nội đi Lạng Sơn phải đi xe lửa qua các tỉnh Bắc Ninh, Phủ lạng Thương, Bắc Giang rồi mới đến Lạng Sơn. Các tỉnh Bắc Ninh, Phủ lạng Thương và Bắc Giang vẫn cò ở miền Trung du Bắc Việt, nhưng từ Bắc Giang trở lên là thuộc miền Thượng du hay là miền núi.

Xe lửa có móc xích leo núi

Xe lửa có rmóc xích leo núi

Xe lửa từ đấy trở lên chạy rất chậm, ỳ ạch leo núi với đầu máy xe lửa có thêm bánh răng cưa – tiếng Pháp gọi là “crémaillère“. Bắc Giang là một tỉnh miền núi có địa tế rất hiểm trở với nhiều núi non rừng già hùng vĩ. Vào những năm đầu của sự xâm lăng của người Pháp, tại Yên Thế, một địa phận tỉnh Bắc Giang, có một người hào trưởng tên là Hoàng Hoa Thám(3), mọi người gọi là Đề Thám, đã từng nổi dậy, chống cự, đáng phá quân đội Pháp. Người Pháp đã mất nhiều năm, công sức mà không làm gì được. Sau cùng họ đã phải dùng một thủ đoạn là dụ dỗ và cho tiền được một người thân tín của Đề Thám để ám sát người lãnh đạo. Ông Hoàng Hoa Thám được mọi người ca tụng mà gọi là Anh hùng Yên Thế, hay là con Hùm Xám Bắc giang.

Ông Hoàng Hoa Thám

Ông Hoàng Hoa Thám

Mặc dầu chuyện ấy đã xẩy ra rất nhiều năm về trước, nhưng xe lửa khi đi qua Bắc giang, bò chầm chậm lên con đường dốc, xuyên qua những khu rừng già um tùm, không một bóng người, chỉ có chim kêu vượn hú, tôi cảm thấy rờn rợn vì tưởng tượng đến những hồn ma của đoàn quân áo đen của ông Đề Thám đã bị tàn sát tại đây, sau khi thủ lãnh họ đã vị ám sát chết.

Miền thượng du Bắc việt có nhiều dân tộc thiểu số, chuyên sinh sống ở miền núi, như người Thổ, người Mán, người Mường, người Lô Lô. Họ là những sắc dân rất khác biệt với người Việt Nam, được gọi là người Kinh, với ngôn ngữ phong tục tập quán riêng.

Người Thổ ở Lạng Sơn

Người Thổ ở Lạng Sơn

Lạng Sơn là vùng sinh sống của người Thổ. Người Mường cũng ở vùng cao nguyên, nhưng tương đối thấp hơn, như Hòa Bình. Người Mán và người Lô lô lại sinh sống ở những vùng cao hơn Lạng Sơn, như Lào Kay, Hà Giang Cao Bằng.

Lên tới Lạng Sơn, khi xe lửa từ từ lăn qua cái cầu sắt trên sông Kỳ Cùng để vào phố Kỳ Lừa là nơi chúng tôi đến, cảnh vật đã khác hẳn. Thành phố nhỏ lơ thơ lác đác, ít người ở, ít nhà cửa, đường phố rộng lớn, nền đất và đá, không trải nhựa, từa tựa như một thị trấn Miền Tây trong những phim “cao bồi” (Western films) cũa Mỹ. Tất nhiên ở đây người dân địa phương không có giầy ống bằng da, mũ nỉ rộng vành và cưỡi những con ngựa cao lớn, nhưng cách sắc phục của họ cũng rất đặc biệt, Mầu quần áo của họ là mầu xanh thẫm, rất thẫm. gọi là mầu chàm, đàn ông cũng như đàn bà. Đàn bà đều mặc áo và váy dài, thêu xanh đỏ sặc sỡ trong rất vui mắt. Đầu dội nón đan bằng lá, rộng vành. Chân đi hài sảo, là một thứ dép bện bằng rơm. Họ cũng dùng quang gánh như người Việt để chuyên chở hàng hóa, hoặc những con ngựa thồ, nhỏ con nhưng leo dốc rất tài.

Gia đình chúng tôi ở nhà anh Thuộc hai tuần lễ, Trong hai tuần này chúng tôi được đi thăm mấy gia đình người Thổ chính cống do anh Thuộc – một người Việt, lai Thổ – giới thiệu, và đi thăm vác động Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh.

Một hình thức Ma Xó trong nhà người Thổ

Một hình thức Ma Xó trong nhà người Thổ

Trước khi lên Lạng Sơn, tôi đã được đọc và được kể những chuyện ly kỳ, bí mật của người Thổ. Người ta kể rằng nhiều người Thổ thờ Ma Xó. Ma Xó là linh hồn của một người chết – thường là một người trong gia đình – mà xác được ướp khô, bó trong một cái chiếu, dựng ở một góc nhà, cũng gọi là xó nhà, nên gọi là Ma Xó, để canh chừng giữ nhà cho gia chủ khi vắng nhà, khỏi bị trộm cắp. Người ta kể là ở những nhà thờ Ma Xó, nếu có người lạ vào nhà khi chủ đi vắng, thì Ma Xó sẽ lên tiếng để đuổi khách lạ đi. Nếu khách là kẻ gian ăn cắp đồ đạc mang ra cửa thì sẽ bị Ma Xó làm cho đau đớn hay có khi bị vật chết.

Người ta cũng kể rằng nhiều người Thổ là thầy Phù Thủy. Phù thủy là những phép bí mật siêu hình thờ nhiều loại ma, Tây phương gọi là “black magic, voodoo.”.Họ dùng phù thủy để giúp những người trong những chuyên về tình yêu, buôn bán. Loại trừ kẻ tình địch, đòi nợ, trả thù, ân oán… là những đề tài được kể đến, nói lên khoa học thần bí của ngươi Thổ.

Vì bí ám ảnh bởi những chuyện Ma Xó, Phù Thủy nên khi tôi, một đứa bé mới chín mười tuổi, vào nhà một người Thổ chính cống, tôi cảm thấy sờ sợ, mở to mắt nhìn các góc nhà xem có Ma Xó, bó chiếu nào không, nhìn lên ban thờ xem gia chủ thờ những vị Thần nào. Tất nhiên là mỗi lần đi viếng thăm như vậy, tôi đều đi với anh Thuộc, không phải là khách lạ đối với chủ nhân gia đình người Thổ. Bởi vậy, tôi không được thử nghiệm cái tài giữ nhà của những con Ma Xó.

Một chuyện đường rừng chỉ xẩy ra trên vùng Thượng du như Lạng Sơn và được mọi người nói đến rất nhiều là chuyện Thần Giữ Của. Người ta kể rằng vào cuối thế kỷ thứ mười chín bên Trung Hoa, dưới thời nhà Thanh, có nhiều loạn lạc, có một số người có nhiều tiền của, vàng bạc châu báu. Họ không dám giữ của cải ở nhà vì một lý do nào đó. Họ đã sang nước ta, vùng Thượng du Bắc Việt như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, để chôn dấu của cải trong những hang động miền núi. Để của cải không lọt được vào tay kẻ khác ngoài dòng họ con cháu mình, họ đã bắt cóc những đứa trẻ, phần nhiều là con gái, trói lại, đem bỏ vào trong hang đó, rồi lấp cửa hang lại. Đứa bé đó sẽ chết vì đói khát và sẽ trở thành một con ma để giữ của cho người Tầu dã man đó. Những con ma này, gọi là Thần Giữ Của, vì đã bị một lời nguyền của phù thủy Tầu, chỉ có thể ra ngoài được nếu có thể vật chết được một kẻ gian đào hang để lấy trộm của cải trong đó. Tên trộm bị vật chết lại trở thành Thần Giữ Của mới thay cho con ma cũ nay được ra ngoài. Chúng đã thành những người giữ của rất đắc lực cho dòng họ người Tầu sau này.

Thần giữ của

Thần giữ của

Một nhà văn rất có tiếng thời đó là ông Thứ Lễ(4) đã viết một cuốn tiểu thuyết về đề tài này, Cuốn đó là “Vàng và Máu”. Trong những lần đi thăm ba hang động Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh, tôi cứ thắc mắc mãi về chuyện Thần Giữ Của, dấu trong những hang động. Nhưng rồi tôi cũng hiểu ra là đây là những hang động to lớn, ai cũng biết, nhiếu người đã vào thăm. Không ai dại gì mà chôn dấu của cải trong những hang này, vả lại nếu có, hẳn sẽ không còn.

Trong Động Tam Thanh Lạng Sơn

Trong Động Tam Thanh Lạng Sơn

Hang động ở trên sườn núi. Đường vào hang là đường đá nhỏ hẹp, trơn ướt. Trong hang không khí ẩm ướt, tối mù vì hang sâu, không cò ánh sáng mặt trời. Bởi vậy trước khi đi, anh Thuộc đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Mỗi người trong chúng tôi được phát một đôi hài xảo, một thứ dép bện bẳng rơn, để đi vào chân và một cái gậy để chống cho khỏi ngã. Chúng tôi được dặn phải đội mũ, mặc đồ ấm vì trong hang khá lạnh. Đuốc thắp sáng là những vỏ xe đạp cũ. Vào hang sâu có những suối có nước chẩy róc rách. Mùi cao su vỏ xe cháy khét lẹt, lẫn với những tiếng âm vang trong lòng hang lạnh mỗi khi có ai cất tiếng nói. Những dá nhũ thạch tua tủa đâm lên hay rủ xuống đã kích thích tôi rất mạnh trong buổi đi khám phá một vùng đất mới, chưa hề thấy bao giờ.

Đi một hồi lâu, chúng tôi đến một vùng đất rộng có ít tia sáng mặt trời từ trên cao len lỏi xuống. Ở đó chơi ít lâu, chúng tôi mới quay trở về. Khi trở ra ngoài hang, với ánh nắng mặt trời chói lọi chan hòa, tôi có cảm tưởng như đã sống dậy từ lòng đất lạnh.

Gần đến ngày về, một chuyện kinh hoàng đã xẩy ra. Sáng hôm ấy, trong cái không khí thanh bình của thị trấn phố Kỳ Lừa nhỏ bé xa xôi vắng vẻ này, chúng tôi bỗng nghe thấy nhiều tiếng súng từ phía Bắc vọng về. Súng nhỏ nổ rtừng hồi liên tục như pháo nổ ngày Tết. Thỉnh thoảng chêm vào đó những tiếng nổ chát chúa của súng lớn. Sau đó chúng tôi thấy có vài ba chiếc phi cơ từ đâu tới, chúc xuống như để thả bom, rồi lại bay ngược lên, rít lên từng hồi rất ghê sợ. Mỗi lần như vậy là có tiếng bom nổ ầm ầm. Bãi chiến trường ấy có lẽ không xa chúng tôi lắm.

Phi cơ Nhật tấn công

Phi cơ Nhật tấn công

Tất cả mọi người đều ra khỏi nhà, nhớn nhác nhìn nhau, vẻ mặt lo sợ.  Sau cùng có nhiều người dường như từ phía đó chạy về, chúng tôi mới biết thêm là có một cuộc đụng độ giữa quân đội Nhật, hồi đó đã kéo xuống tỉnh Quảng Đông nước Tầu, với quân đội Pháp đóng ở Đồng Đăng, biên giới Việt-Hoa.

Đó là lần đầu tiên tôi được nếm mùi vị và cái không khí khủng khiếp của mùa Chinh Chiến, kéo dài đằng đẵng trên đất nước tôi và để lại trên đất nước tôi cũng như mọi người dân Việt Nam những vết thương khôn hàn.

Sau bữa đó Thầy Mẹ tôi quyết định trở về Hà Nội sớm hơn ít ngày, bỏ dở cuộc viếng thăm động Tam Thanh, vì có tin là cầu Kỳ Lừa sẽ bị qu ân Nhật ném bom để ngăn chặn đường rút lui của quân đội Pháp.

Sau cuộc đi chơi này, tôi có cảm tưởng mơ hồ là thời thanh bình của tuổi ấu thơ đã không còn nữa.

_________________________________________________________

 (1) Hoàng Quý (1920 – 1946), nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng, là một trong những gương mặt tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của nhạc phẩm Cô láng giềng bất hủ.Hoàng Quý sinh năm 1920 tại Hải Phòng, ông là anh trai của Hoàng Phú, tức nhạc sĩ Tô Vũ. Theo Phạm Duy, Hoàng Quý từng là học trò của Lê Thương tại trường Trung học Lê Lợi ở Hải Phòng vào cuối thập niên 1930. Hoàng Quý theo học nữ giáo sư âm nhạc Leperète dạy nhạc ở các trường trung học ở Hải Phòng. Nhờ có năng khiếu và ham học, Hoàng Quý tiếp thu âm nhạc khá tốt, chỉ một thời gian sau trở thành giáo viên dạy nhạc của trường Bonnal. Và vào năm 1939, đúng lúc phong trào Nhạc cải cách vừa ra đời, cùng với các ca nhạc sĩ tài tử ở đất Cảng lúc đó là Phạm Ngữ, Canh Thân và em trai Hoàng Phú, Hoàng Quý là người đầu tiên trình diễn nhạc Lê Thương tại Nhà Hát Lớn Hải Phòng.
(2) Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12 tháng 12 năm 1914, mất ngày 19 tháng 11 năm 1938  tại Hà nội, ông là con của nhà văn, nhà báo, dịch giả, học giả Nguyễn Văn Vĩnh, quê quán: xã Phượng Dục, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Ông học tại trường Albert Sarraut và đỗ tú tài. Ông làm thơ từ sớm và đã từng viết cho các báo Annam Nouveau, Hà Nội Báo, Tinh hoa, Đông Dương Tạp chí. Ông mất năm 24 tuổi tại Hà nội do bệnh thương hàn.
 
(3) Hoàng Hoa Thám- Tên thật: Trương Văn Thám; cũng gọi là Đề Thám (1858 – 1913) Năm 16 tuổi, ông tham gia khởi nghĩa của Đại Trận (1870-1875). Khi Pháp chiếm Bắc Ninh (3-1884) thì Hoàng Hoa Thám gia nhập nghĩa binh của Trần Quang Loan, lãnh binh Bắc Ninh, rồi nghĩa quân của Hoàng Đình Kinh (1882-1888), và sau đó ông đứng dưới cờ nghĩa Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài. Tháng 4-1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại và Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế. Cuối tháng 12-1912, Lương Tam Kỳ, một tên trùm thổ phỉ đã đầu hàng Pháp, cùng với bọn chỉ điểm người Hoa sát hại Hoàng Hoa Thám ngày 10-2-1913. Năm ấy ông 55 tuổi.
 
(4) Thế Lữ, tên thật là Nguyễn Thứ Lể (6 tháng 10 năm 1907 – 3 tháng 6 năm 1989) là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Thế Lữ nổi danh trên văn đàn vào những năm 1930, với những tác phẩm Thơ mới, đặc biệt là bài Nhớ rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng và máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), ông hầu hết hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong hóa và Ngày nay. Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám.

____________________________________________________________________________________________

 

Leave a comment